Cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng khóc xin hưởng khoan hồng
Trả lời thẩm vấn tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Tô Anh Dũng đã khóc khi trình bày và xin giảm nhẹ hình phạt.
Chiều 25/12, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ “chuyến bay giải cứu” tiếp tục với phần xét hỏi. Trả lời thẩm vấn tại tòa, cả bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã không cầm được nước mắt.
Bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) bị cáo buộc đã 253 lần nhận hối lộ của 18 cá nhân đại diện doanh nghiệp và một số khách lẻ với tổng số tiền 42,6 tỷ đồng. Ông Kiên bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt án tù chung thân.
Tại phiên tòa hôm nay, trình bày đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Kiên cho biết, trước và trong phiên tòa sơ thẩm, bị cáo đã vận động gia đình, người thân nộp khắc phục hơn 42 tỷ đồng. Ngày 7/9, thông qua sự tác động của bị cáo Kiên, vợ của bị cáo đã tiếp tục nộp thêm 400 triệu đồng để khắc phục 100% hậu quả.
Theo cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, trong quá trình bị điều tra, bị cáo tích cực hợp tác với cơ quan điều tra và đã thành khẩn khai báo để làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo khác trong vụ án.
Sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, bị cáo tiếp tục tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ hành vi sai phạm của các cá nhân khác ở giai đoạn 2 của vụ án.
“Bị cáo xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân vì đã gây ra lỗi lầm. Bị cáo xin HĐXX cho mình được cho hưởng khoan hồng của pháp luật để sớm trở về với xã hội, đoàn tụ với gia đình, sửa chữa lỗi lầm mà mình đã gây ra”, ông Kiên vừa nói vừa khóc.
Nhắc đến các tình tiết có thể được HĐXX xem xét để giảm nhẹ tội cho mình, ông Kiên cho hay, vợ ông có thành tích, bằng khen, là chiến sỹ thi đua. Bị cáo còn nhắc đến thư cảm ơn của các tổ chức từ thiện mà bị cáo đã tham gia tích cực thời điểm xảy ra dịch Covid-19.
Bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) bị cáo buộc nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng và bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt mức án 16 năm tù. Sau phiên tòa sơ thẩm, ông Dũng đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa phúc thẩm, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao thừa nhận hành vi phạm tội như cáo buộc, nhưng cho rằng bản án sơ thẩm chỉ mô tả cô đọng hành vi của bị cáo mà chưa thể hiện đầy đủ, toàn diện vụ việc.
Theo ông Dũng, bản án sơ thẩm nêu việc bị cáo có tiếp xúc với các doanh nghiệp rồi sau đó nhận tiền của doanh nghiệp. Thực tế bị cáo có tiếp xúc doanh nghiệp nhưng là để tìm hiểu, nắm bắt tình hình và những khó khăn, nhằm tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Bị cáo tiếp xúc doanh nghiệp nhưng không hề đòi hỏi, thỏa thuận giúp đỡ để được nhận tiền. Bị cáo hết sức đau đớn khi rơi vào vòng lao lý. Nói đến đây, bị cáo Tô Anh Dũng đã khóc, tay xoắn vào nhau bối rối.
Tiếp tục trình bày, ông Dũng cho rằng mình đã tích cực chuộc lỗi, mong sớm được trở về. Bị cáo có ý thức khắc phục hậu quả và lỗi lầm đã gây ra. Khi nhận ra sai lầm của mình, bị cáo rất ăn năn hối lỗi. Gia đình bị cáo đã khắc phục 100% hậu quả, bị cáo xin được hưởng ân giảm.
Theo trình bày của ông Dũng, trong hơn 30 năm công tác, bị cáo trải qua nhiều cương vị khác nhau nhưng đều nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bị cáo đã rất nỗ lực với nhiệm vụ đưa công dân về nước thời điểm dịch Covid-19.
Bị cáo cũng đã hết sức cố gắng trong việc xin được hơn 150 triệu liều vắc xin về cho đồng bào thời đại dịch. Bên cạnh đó, bị cáo được tặng thưởng nhiều huân, huy chương, có nhiều thành tích trong công việc. Về nhân thân, gia đình bị cáo có công với cách mạng.
Bị cáo bị nhiều bệnh, cần được dùng thuốc thang, điều trị. Ngoài ra, bị cáo muốn được sớm trở về để chăm sóc mẹ già 90 tuổi, mong HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước.
Tại tòa, khi được hỏi đến, vợ ông Tô Anh Dũng là bà Trần Phi Nga cũng đã không cầm được nước mắt, đồng thời tha thiết xin giảm nhẹ cho chồng và xin giải tỏa kê biên.
Rút một phần kháng cáo
Tại tòa, các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó TGĐ Công ty Bluesky) và Lê Hồng Sơn (TGĐ Công ty Blue Sky) rút kháng cáo đòi cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng trả lại số tiền hơn 18 tỷ đồng mà ông Hưng bị cáo buộc đã lừa đảo chiếm đoạt của bà Hằng và ông Sơn.
Bị cáo Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty Masterlife) xin HĐXX xem xét, cho mình không phải cách ly khỏi đời sống xã hội.
Bị cáo Xa nêu tình tiết mới để HĐXX xem xét, chấp nhận kháng cáo của mình. Cụ thể, bị cáo đã có nhiều hoạt động thiện nguyện, có ích cho xã hội, có thành tích trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm.
Năm 2012, khi nghe được thông tin một người quen là nạn nhân trong vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng, bị cáo Xa đã lên kế hoạch, giả làm “con mồi” để dụ kẻ lừa đảo. Nhờ kế hoạch trên và sự phối hợp với công an, kẻ lừa đảo đã “sa lưới” và bị đưa ra xét xử.
Bị cáo Xa cho biết mình có xác nhận về thành tích bắt tội phạm nói trên của Công an quận 12 (TP.HCM), mong HĐXX xem xét.
>> Có bao nhiêu cổ phiếu VCG trong tài khoản của cựu thứ trưởng Bộ ngoại giao Tô Anh Dũng?
Sắp xét xử 17 bị cáo vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2
Xét xử vụ án 'chuyến bay giải cứu' giai đoạn 2 vào ngày 24/12