Đa dạng hoá danh mục sản phẩm - “liều dopping” cho cổ phiếu Digiworld (DGW)
Thời gian gần đây, các công ty chứng khoán liên tục đưa ra đánh giá tích cực đối với cổ phiếu DGW. Đáng chú ý, phiên 22/8, DGW tăng kịch trần, vượt trội so với toàn ngành bán lẻ.
Tiềm năng của Digiworld (DGW) qua lăng kính chuyên gia
Cổ phiếu DGW của CTCP thế giới số - Digiworld mở phiên sáng nay trong sắc xanh nối dài đà tăng của ngày hôm qua. Đáng chú ý phiên liền trước (22/8), mã này đóng cửa ở mức giá trần.
Theo ước tính của CTCP Chứng khoán Vietcap (VCSC) tại báo cáo mới phát hành, biên lợi nhuận gộp của mảng thiết bị văn phòng, hàng tiêu dùng và thiết bị gia dụng dao động trong khoảng 11%-19% so với biên lợi nhuận gộp của mảng ICT là 5%-9%. Vietcap kỳ vọng tỷ trọng đóng góp doanh số từ thiết bị văn phòng, hàng tiêu dùng và thiết bị gia dụng sẽ đạt 26%/27% vào năm 2024/2025 so với mức 19% vào năm 2022.
Nguồn: DGW |
Cũng theo Vietcap, lợi nhuận giảm trong năm 2023 của Digiworld một phần được bù đắp bởi các mảng ngoài ICT.
Vietcap dự báo doanh thu từ mảng ICT giai đoạn 2023-2025 giảm thêm 26%, biên lợi nhuận gộp giảm thêm 50 điểm cơ bản còn 6,6% trong năm 2023. Điều này được bù đắp một phần nhờ tăng dự báo tổng doanh thu hàng tiêu dùng trong giai đoạn 2023-2025 thêm 40%.
Yếu tố hỗ trợ được Vietcap đề cập là việc Digiworld tiếp tục hợp tác kinh doanh hoặc M&A gia tăng giá trị giúp mở rộng danh mục sản phẩm đặc biệt trong lĩnh vực thiết bị gia dụng và hàng tiêu dùng. Trong khi rủi ro có thể là việc mất hợp đồng các thương hiệu lớn, chi tiêu của người tiêu dùng yếu hơn dự kiến đối với hàng hoá ICT.
Theo đó, VCSC điều chỉnh tăng giá mục tiêu (TP) cho CTCP Thế Giới Số (DGW) dù cổ phiếu đã tăng 60% trong 3 tháng qua.
TP cao hơn chủ yếu được thúc đẩy do mở rộng thời gian dự phóng từ năm 2027 đến năm 2028. Với những thành công gần đây của DGW trong việc chiếm được các hợp đồng phân phối sản phẩm ngoài ICT (ví dụ: hàng tiêu dùng, thiết bị điện gia dụng và hàng tiêu dùng công nghiệp), chúng tôi lạc quan hơn về triển vọng đạt được doanh thu cao hơn và biên lợi nhuận ổn định hơn trong trung hạn và dài hạn của DGW.
Bên cạnh đó, nhóm phân tích kỳ vọng việc ngày càng nhiều thương hiệu quốc tế vào Việt Nam sẽ thúc đẩy nhu cầu dành cho các nhà cung cấp dịch vụ mở rộng thị trường như DGW trong dài hạn.
Trong trung hạn, DGW sẽ là công ty được hưởng lợi đầu tiên từ sự phục hồi của ngành ICT được kỳ vọng trong giai đoạn 2024-2025.
Tương tự, báo cáo mới đây của Chứng khoán Maybank (MSVN) nhận định Digiworld có thế mạnh trong việc phân phối các sản phẩm công nghệ thông tin và đang trong quá trình mở rộng theo chiều ngang sang các phân khúc tiềm năng khác, bao gồm thiết bị gia dụng, hàng tiêu dùng và chăm sóc sức khoẻ, thiết bị công nghiệp. Việc mở rộng này mang lại dư địa đáng kể và các động lực bền vững cho tăng trưởng dài hạn của Digiworld, bên cạnh việc hưởng lợi từ nhu cầu ngày càng tăng và chuyển đổi số.
Mô hình tăng trưởng khác biệt giúp Digiworld vượt bão ngành ICT
Mảng điện thoại vẫn luôn đem lại doanh thu lớn nhất cho Digiworld và các doanh nghiệp bán, song hiện tượng bão hoà rình rập cùng với nhu cùng tiêu dùng sản phẩm ICT mang tính chu kỳ khiến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp nhóm này có thể giảm sút.
Lường trước được xu thế này, Digiworld đã chọn cho mình kinh doanh phát triển độc đáo từ những ngày đầu tiên. Nhờ chiến lược mở rộng độ phủ từ sớm, Digiworld - một trong những doanh nghiệp đi đầu trong ngành bán lẻ đã vượt giông bão đưa doanh thu chạm tỷ USD.
Điều này thể hiện rõ trên những con số kinh doanh quý 2/2023, khi mảng điện tử suy giảm, lại có các lĩnh vực khác bù đắp. Cụ thể, thiết bị gia dụng ghi nhận doanh thu tăng vọt 54% đạt 166 tỷ đồng nhờ việc thêm các nhãn hàng mới và các nhãn hàng hiện có được biết đến và tin dùng.
Song, nổi bật nhất là sự tăng trưởng ấn tượng trong ngành hàng tiêu dùng (83%) với doanh thu 170 tỷ đồng. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ việc Digiworld gia nhập ngành hàng đồ uống và bắt tay với hai ông lớn là AB-InBev và Lotte Chilsung.
Nguồn: DGW |
Đây chính là hiệu quả của mô hình phát triển chiều ngang và dọc của DGW. Về chiều ngang, cách DGW làm là thiết lập kênh phân phối cho từng ngành hàng, bắt đầu từ laptop vào năm 2021 rồi điện thoại, hàng tiêu dùng, điện tử và M&A để biết vào ngành hàng thiết bị công nghiệp.
Một phần mở rộng các ngành hàng mới, một phần tìm kiếm thêm các nhãn hàng mới trong ngành hàng cũ để có thể tận dụng được kênh phân phối và quy mô để tiết kiệm chi phí vận hành. “Mô hình tăng trưởng này là mô hình tăng trưởng không giới hạn, có thể áp dùng được cho nhiều ngành khác nhau dựa trên sức tiêu dùng 100 triệu dân Việt Nam đang còn khá trẻ và thu nhập đang tăng.”, Chủ tịch DGW khẳng định tại buổi hội thảo Ngành hàng tiêu dùng: Đi tìm xu hướng đảo chiều tổ chức vào cuối tháng 7
Với mô hình phát triển theo chiều dọc, Digiworld đại diện cho các thương hiệu mở cửa hàng Brandshop trên cả môi trường offline và online. Đây được coi như dịch vụ dùng để phục vụ các nhãn hàng. Không nhà bán lẻ nào có thể trưng bày tất cả sản phẩm của nhãn hàng, vì vậy họ sẽ có nhu cầu mở một Brandshop để giới thiệu tất cả các sản phẩm của họ. Đây là chiến lược D2C (direct to consumer).
Ngoài ra, khi kênh phân phối của Digiworld đã vững mạnh, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết Digiworld có thể sẽ cân nhắc khả năng làm nhãn hàng riêng hoặc M&A với những công ty sản xuất đang có sản phẩm phù hợp với công ty, ví dụ như thương hiệu Nestle, RapidFor thuộc ngành hàng tiêu dùng, thuốc cà thiết bị y tế hay thương hiệu Ansell thuộc ngành hàng thiết bị công nghiệp.
“Chúng tôi không bao giờ ngần ngại tăng trưởng hết khả năng của mình, vì chúng tôi nhìn về mục tiêu lâu dài khi thị trường thuận lợi và cần phải dốc sức tối đa để chiếm thị phần và mở thêm sản phẩm mới, ngành hàng mới. Chúng tôi cũng chưa bao giờ lo ngại rằng mức nền cao sẽ khiến tăng trưởng kém đi”, Chủ tịch Đoàn Hồng Việt cho hay.
Đón cú hích từ tầng lớp trung lưu, cổ phiếu bán lẻ được kỳ vọng bứt phá
Đầu tư mạnh vào tiếp thị, Digiworld (DGW) hướng đến kết quả kinh doanh vượt kế hoạch