Đại biểu gợi ý khuyến khích người dân đốt thẻ Visa, Mastercard cho người âm thay vì vàng mã
Thực hiện Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, sáng 26/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Phát biểu tại Hội nghị, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho biết, áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với những sản phẩm chúng ta muốn hạn chế, nhưng thực tế có nhiều sản phẩm dù hạn chế, người ta vẫn sử dụng.
Ông Cảnh lấy ví dụ về vàng mã, hàng mã. Ông Cảnh nói: “Sản phẩm này dù chúng ta áp dụng thuế TTĐB như thế nào đi nữa, người ta vẫn sử dụng. Bởi vì mức thuế này không là bao nhiêu so với nhu cầu của người ta”.
Ông Cảnh nói thêm: “Người dân đốt vàng mã không phải vì giá rẻ hay đắt, mà vì tín ngưỡng. Việc tăng thuế sẽ không khiến họ từ bỏ thói quen này. Thay vào đó, nếu chúng ta đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến khích các hình thức thay thế, sẽ hiệu quả hơn trong việc thay đổi hành vi tiêu dùng”.
Ông Cảnh đưa ra giải pháp, thay vì đốt nhiều tệp tiền, vàng mã gây ô nhiễm, có thể khuyến khích người dân đốt những chiếc thẻ Visa, Mastercard với giá trị vài tỷ đồng.
Ông Cảnh nói: “Chúng ta chỉ cần đốt một tờ đó là đủ tiền cho người ở dưới dùng rồi".
Về thói quen khi đưa tang người mất ra nghĩa trang, một số nơi có văn hóa rải tiền dọc đường. Đại biểu góp ý chỉ nên rải tiền ở các ngã tư đường.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, chủ trương chuyển đổi số đang được đẩy mạnh nên tiến tới vàng mã cũng nên chuyển đổi số thay vì các hình thức như hiện nay, hay hình thức mà đại biểu Cảnh đề xuất.
Phó Chủ tịch Quốc hội lấy dẫn chứng về Nhật Bản và một số nước khi người dân đến đền thờ có thể sử dụng hương điện tử thay vì đốt vàng mã như hiện nay.
>>Dự kiến trong tháng 3, thuế nhập khẩu ô tô giảm mạnh
![]() |
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) |
Ngoài ra, tại Hội nghị, đại biểu Nguyễn Duy Minh - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Đà Nẵng nêu quan điểm, việc áp thuế cần được xem xét một cách thận trọng, toàn diện, đặc biệt là trên 3 khía cạnh về việc làm, thu ngân sách địa phương, thu ngân sách Nhà nước nói chung và sức khỏe người tiêu dùng.
Về tác động của việc áp thuế TTĐB với ngành bia đến việc làm, đại biểu Nguyễn Duy Minh cho rằng, ngành bia hiện nay đang tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trên cả nước, từ người nông dân trồng nguyên liệu, nhà máy sản xuất đến hệ thống vận chuyển, phân phối và bán lẻ.
Việc tăng thuế đột ngột, mạnh tay như đề xuất như hiện nay sẽ khiến giá bia hợp pháp tăng cao, kéo theo sự sụt giảm tiêu thụ và doanh thu, buộc doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự.
Về sức khỏe cộng đồng, theo đại biểu Nguyễn Duy Minh, chính sách thuế phải góp phần bảo vệ sức khỏe của cộng đồng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc tăng thuế quá nhanh, quá cao có thể gây tác động ngược. Giá bia hợp pháp tăng đột biến sẽ đẩy người tiêu dùng, nhất là nhóm thu nhập thấp chuyển sang các sản phẩm không chính thức, không kiểm soát được chất lượng “bia cỏ” hoặc bia nhập lậu.
Từ những lý do nêu trên, đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị Ban soạn thảo tiến hành đánh giá tác động toàn diện, minh bạch, có sự tham gia của các tổ chức nghiên cứu độc lập, đặc biệt là xem xét tác động đến việc làm và thu ngân sách địa phương.
Thứ hai là xem xét lộ trình điều chỉnh thuế hợp lý, có độ trễ tối thiểu 1 năm để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và người tiêu dùng có thời gian thích nghi.
Thứ ba là nghiên cứu áp dụng phương pháp đánh thuế dựa trên hàm lượng cồn thay vì đánh thuế theo đánh đồng theo giá trị sản phẩm. Điều này phù hợp với xu hướng quốc tế, vừa công bằng, vừa góp phần định hướng tiêu dùng có trách nhiệm.
>>Đề xuất giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2026 với xăng dầu, máy giặt, lò vi sóng