Đại biểu Quốc hội: Dự án chậm tiến độ 'như một căn bệnh mãn tính'
Theo tính toán của đại biểu Quốc hội, trung bình, thời gian để thực hiện đầy đủ các thủ tục một dự án đầu tư sẽ kéo dài từ 250 ngày đến 350 ngày mới khởi công xây dựng; tình trạng "chậm", "rất chậm" và "quá chậm" được ví như một "căn bệnh mãn tính chưa có phác đồ điều trị".
Thời gian làm thủ tục dự án mất hơn 250 ngày
Sáng 6/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Đề cập đến thủ tục đầu tư, đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cho rằng, vấn đề này không chỉ được quy định trong Luật Đầu tư mà còn được quy định trong nhiều luật khác như đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy…
Đại biểu Trần Chí Cường. Ảnh: Như Ý |
Theo đại biểu, quy định hiện hành, thời gian thực hiện các thủ tục này thường mất nhiều thời gian. Mỗi thủ tục lại có yêu cầu riêng về hồ sơ, trình tự và thời gian, một số thủ tục lại quy định nhiều bước thực hiện (thủ tục xây dựng), một số thủ tục phải thực hiện tuần tự, kết quả của thủ tục này là đầu vào của thủ tục khác.
“Tính trung bình, thời gian để thực hiện đầy đủ các thủ tục nêu trên (tùy theo loại dự án A, B hay C) sẽ kéo dài từ khoảng 250 ngày đến 350 ngày mới khởi công xây dựng, tức là phải hơn 8 tháng kể từ lúc HĐND thông qua mới thực hiện. Trên thực tế, thời gian thực hiện thủ tục có thể kéo dài hơn do độ trễ vì phải hoàn thiện các hồ sơ và tài liệu có liên quan”, ông Cường cho hay.
Từ phân tích trên, đại biểu đoàn Đà Nẵng đề nghị dự thảo luật cần nghiên cứu bổ sung quy định thời gian ở các bước lập thủ tục và phê duyệt của các cơ quan, tương tự như quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt trình Quốc hội trong dự án luật sửa đổi, bổ sung luật về quy hoạch, đầu tư, đầu tư đối tác công tư và luật đấu thầu.
Đại biểu Dương Khắc Mai. Ảnh: Như Ý |
Cùng mối quan tâm, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, đầu tư công có vai trò quan trọng, mang tính dẫn dắt. Tuy nhiên, đầu tư công trong những năm qua được gắn với những cụm từ như "chậm", "rất chậm" và "quá chậm", "như một căn bệnh mãn tính chưa có phác đồ điều trị".
Theo ông, việc tách riêng việc bồi thường tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) thành các dự án độc lập, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án đã đang được triển khai.
Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: Như Ý |
Đề xuất tăng vốn gấp 3 lần “chưa rõ cơ sở”
Cùng mối quan tâm đến việc tách riêng dự án GPMB, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, mặc dù chưa có báo cáo đánh giá, tổng kết, nhưng với những kết quả đã đạt được, ông Cường cho rằng “có thể yên tâm” cho phép tách phần GPMB tất cả các dự án nhóm A, B, C.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng lạm dụng việc tách để GPMB rồi để đất trống, không sử dụng đúng mục đích, ông Cường đề nghị dự thảo luật quy định theo hướng: Người ra quyết định tách phải chịu trách nhiệm về việc dự án GPMB xong đất phải được đưa vào sử dụng đúng mục đích của dự án ban đầu.
Về nâng quy mô vốn, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, quy mô vốn để phân loại các dự án nhóm A, B, C đề xuất tăng lên 2 lần như dự thảo Luật là hợp lý.
Tuy nhiên, theo ông, riêng dự án quan trọng quốc gia lại đề xuất tăng từ 10 nghìn lên 30 nghìn, tăng gấp 3 lần là “chưa rõ cơ sở”. Ông đề nghị cần cân nhắc quy mô dự án quan trọng quốc gia cũng nên tăng 2 lần, tương đương với mức tăng quy mô nền kinh tế và như mức tăng của các dự án nhóm A, B, C.
Giám sát và kiểm soát quyền lực
Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu vấn đề Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội đã đề cập nhiều lần là “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Cùng với chủ trương này, theo bà, cần bổ sung các cơ chế, các giải pháp để bảo đảm yêu cầu về kiểm soát quyền lực, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và tăng tính công khai, minh bạch trong quyết định các nội dung về đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy. Ảnh: Như Ý |
Nội dung đáng chú ý khác về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Chính phủ đề nghị chuyển thẩm quyền quyết định chủ trương dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương từ HĐND sang cho UBND các cấp (khoản 7 và 8 Điều 18).
Bà Thủy cho rằng, việc quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nên giao cho 2 cơ quan khác nhau thực hiện để đảm bảo yêu cầu giám sát và kiểm soát quyền lực.
Lý do lâu nay chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn ngân sách được giao cho HĐND quyết định, theo bà, vì HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, thay mặt người dân quyết định việc sử dụng ngân sách của địa phương và thực hiện quyền giám sát.
"Việc HĐND quyết định chủ trương đầu tư, sau đó Chủ tịch UBND quyết định và tổ chức triển khai dự án đầu tư là một quy trình rất hợp lý”, bà Thủy nói.
Theo bà Thủy, lý do cho rằng, đưa ra HĐND sẽ kéo dài thời gian cũng chỉ là một cách giải thích và đã có những giải pháp để khắc phục việc này.
>> Chủ tịch Cần Thơ: Nhiều dự án chậm, cử tri cần biết có làm hay không?
Ngày 6/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi)
Điểm nóng ngân sách: Đề xuất của Đại biểu Quốc hội về tháo gỡ nút thắt giải ngân đầu tư công