Đại biểu Quốc hội: Thủ đoạn của tội phạm mạng, lừa đảo ngày càng đa dạng và tinh vi
Vị đại biểu này đánh giá, dữ liệu rất quan trọng nên các loại tội phạm đều tìm mọi cách để thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho cá nhân, tổ chức và kể cả quốc gia.
Ngày 8/11, tại phiên thảo luận Quốc hội về dự án Luật Dữ liệu, đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) cho biết, bản thân ông cũng nhiều lần bị gọi điện để lừa đảo trong thời gian qua.
"Không hiểu vì sao họ lại có đầy đủ thông tin cá nhân, số điện thoại, công việc, chức vụ của tôi để lừa đảo, đe dọa nhiều lần. Cả việc tôi thanh toán tiền điện, tiền nước qua app cho gia đình, ba mẹ tôi họ cũng biết, gọi điện để đe dọa. Có thể dữ liệu đã bị lọt ra ngoài", đại biểu Trình Lam Sinh bức xúc.
Ông Sinh đánh giá, dữ liệu rất quan trọng nên các loại tội phạm đều tìm mọi cách để thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho cá nhân, tổ chức và kể cả quốc gia. Ngoài ra, các thủ đoạn của tội phạm mạng, lừa đảo cũng ngày càng đa dạng và tinh vi hơn.
Do đó, vị đại biểu khuyến nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát thật kỹ, nghiên cứu và bổ sung, nhất là những hành vi có thể phát sinh trong tương lai; cân nhắc bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết. Điều này giúp cơ quan chức năng kịp thời cập nhật thủ đoạn phạm tội mới nhất và có chế tài phù hợp.
Đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) cho ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: Quốc hội |
Liên quan đến tình trạng bị lộ, lọt dữ liệu và xâm phạm quyền riêng tư, đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) thông tin, hiện nay thực trạng này ngày càng gia tăng.
Qua tiếp xúc, cử tri rất quan tâm đến tình trạng dữ liệu cá nhân bị lộ, lọt, bị khai thác, mua bán trái phép nhưng chưa được kiểm soát. Hệ thống thông tin còn các lỗ hổng bảo mật hoặc việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia với dân cư vẫn còn khó khăn.
Do đó, ông Nghĩa đề nghị dự thảo Luật tiếp tục nghiên cứu, khắc phục các vấn đề trên. Trong đó cần phân loại dữ liệu thành nhóm như: Nhạy cảm phải hạn chế chia sẻ; có thể chia sẻ; phục vụ để phát triển kinh tế - xã hội; dữ liệu phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia.
Đồng thời, dự thảo Luật cần quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp bảo mật như mã hóa, xác thực 2 yếu tố, bảo vệ bức tường lửa, việc sử dụng công nghệ Blockchain…
Quốc hội chất vấn công tác quản lý Nhà nước về thị trường vàng
Thống đốc Ngân hàng nói về hơn 13 tấn vàng đưa ra thị trường