Thống đốc: Sẽ nghiên cứu cơ chế và tạo điều kiện cho các ngân hàng quốc doanh chủ động tăng vốn điều lệ
NHNN khuyến khích các NHTM Nhà nước chủ động thực hiện giải pháp tăng vốn bền vững khác như phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Mới đây, Quốc hội đã có phiên thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Tại phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao đề xuất rà soát nhu cầu vốn của các NHTM Nhà nước. Ngoài ra, NHNN sẽ phối hợp với các Bộ, ngành để đánh giá tổng thể, nghiên cứu cơ chế và tạo điều kiện cho các ngân hàng này chủ động tăng vốn điều lệ.
Về vấn đề này, lãnh đạo NHNN thông tin thêm, NHNN sẽ tham mưu cho Chính phủ sửa đổi các luật, nghị định liên quan để tạo điều kiện cho các NHTM Nhà nước linh hoạt hơn trong việc tăng vốn, mở rộng quy mô và đáp ứng nhu cầu cạnh tranh thị trường. Đồng thời khuyến khích các ngân hàng này chủ động thực hiện giải pháp tăng vốn bền vững khác như phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tại cuộc họp. Ảnh: Quốc hội |
Cũng tại cuộc họp, Thống đốc NHNN cho biết, theo Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, các NHTM Nhà nước đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường. Nhóm ngân hàng này cũng đi đầu trong việc triển khai và áp dụng Basel II.
Mục tiêu đặt ra là tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt tối thiểu 10-11% vào năm 2023, 11-12% vào 2025 và đạt yêu cầu Basel III với CAR tối thiểu 13%.
Trong đó, với vai trò là một trong những ngân hàng chủ lực tại Việt Nam, Vietcombank hướng tới mục tiêu đáp ứng được yêu cầu vốn tối thiểu theo chuẩn mực Basel III. Cụ thể, CAR năm 2025 đạt 13% và năm 2026 đạt 13,5%.
Theo tờ trình của Chính phủ, để đảm bảo mục tiêu CAR đạt 13,5% vào năm 2026 thì mức vốn tự có tại thời điểm 31/12/2026 là 300.801 tỷ đồng. Vốn tự có của Vietcombank tại 31/12/2026 dự kiến là 182.635 tỷ đồng tăng 10.297 tỷ đồng so với 31/12/2023.
Vì vậy, tờ trình nêu: Nếu Vietcombank không được tăng vốn điều lệ thì sẽ không thể đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng. Việc tăng vốn điều lệ cũng là cơ sở để Vietcombank mở rộng hoạt động tín dụng, đặc biệt trong việc thực hiện cho vay các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ nền kinh tế của đất nước.
Trước đó, trong tờ trình gửi Quốc hội, Chính phủ đề nghị bổ sung vốn Nhà nước 20.695 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 49,5%. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của nhà băng này sẽ tăng lên 83.557 tỷ đồng.
>> ĐBQH: Lương khởi điểm của công chức xuất sắc chỉ đủ thuê nhà bình dân, chi tiêu hết sức tằn tiện
Cần thiết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội
Đại biểu Quốc hội: Thanh thiếu niên 'đi bão', gây tai nạn thì cần xử lý nghiêm