Đại biểu 'truy' Bộ trưởng Công Thương về quản lý livestream bán trăm tỷ mỗi ngày
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa chất vấn và tranh luận với Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên về các phiên bán hàng livestream thu trăm tỷ đồng, giá thấp bất thường và giải pháp quản lý.
Chiều 4/6, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, vấn đề quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử được nhiều ĐBQH quan tâm, đặt câu hỏi.
ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đặt vấn đề thời gian qua, mạng xã hội xôn xao những cuộc livestream bán hàng trên các ứng dụng, doanh thu đạt cả trăm tỷ một ngày. ĐB đặt câu hỏi cho Bộ trưởng rằng, những thông tin quảng bá đó có đúng hay không? Với hình thức kinh doanh thương mại điện tử, cần phải làm thế nào để quản lý được chất lượng của các sản phẩm?
Ông Nghĩa đặt vấn đề giá bán của các sản phẩm qua hình thức thương mại điện tử thấp hơn nhiều so với giá bán buôn, gây bất ổn thị trường, ví dụ ngay trong các livestream chục tỷ, trăm tỷ. ĐB đề nghị Bộ trưởng nhận định về vấn đề này thế nào và cách xử lý ra sao? Đồng thời có thể học hỏi kinh nghiệm nào trên thế giới để giải quyết triệt để?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận thực trạng đúng như đại biểu nêu, nhưng không đi thẳng vào câu trả lời mà nêu hàng loạt các quy định về thương mại điện tử.
Sau đó, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) tranh luận với Bộ trưởng Công Thương về công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng cũng như chế tài xử lý vi phạm trong thương mại điện tử. Bên cạnh đó là tình trạng kiểm tra hàng hóa của các doanh nghiệp kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp.
ĐB Đỗ Chí Nghĩa tiếp tục tranh luận khi nêu vấn đề về doanh thu trên sàn thương mại điện tử, như TikTok doanh thu một ngày lên đến hàng trăm tỷ đồng. ĐB cho biết đây là con số lớn nhưng còn nhiều tồn tại trong việc quản lý chất lượng và bảo đảm quyền lợi khách hàng.
Điểm thứ hai, giá bán trên livestream lại thấp hơn thông qua các đại lý, đang gây bất ổn, hoang mang trên thị trường về hàng thật, hàng giả. ĐB Nghĩa cho biết, Bộ trưởng nói nhiều về quản lý thương mại điện tử nhưng đây là các sàn có định danh, có đăng ký. Cá nhân livestreams bán hàng mới là vấn đề đáng lo, khi doanh thu lên đến hàng trăm tỷ/ngày thì không còn mang tính cá nhân nữa.
"Nếu xóa trang đó thì khó nhưng lập một trang mới lại rất dễ dàng... Chúng ta cứ đuổi theo thì làm sao có thể giải quyết được dứt điểm. Cảm giác nếu không đi đúng hướng thì cơ quan quản lý sẽ hết sức vất vả, luôn luôn đuổi theo như một ma trận, trong khi người tiêu dùng lãnh đủ và cơ quan thuế thất thu", ông Nghĩa tranh luận.
Trả lời, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc quản lý hoạt động bán hàng trên môi trường điện tử nói chung và livestream nói riêng thật sự khó khăn. Đây không chỉ trách nhiệm của ngành Công Thương mà là trách nhiệm của rất nhiều ngành như TT-TT quản lý hoạt động về mạng, ngành tài chính quản lý về thuế…
Giải pháp tốt nhất, theo ông Diên là phải có sự phối hợp. Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra kiểm soát xử lý. Lực lượng quản lý thị trường phát hiện, đấu tranh làm rõ hành vi sai phạm, tìm địa điểm các đối tượng này tập kết hàng hóa. Ngoài ra cần thường xuyên trao đổi, chia sẻ dữ liệu thông tin trong quản lý của mình với các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý các sai phạm.
Bộ trưởng cho rằng vì hoạt động này "biến hóa khôn lường" nên các quy định pháp luật cần tiếp tục rà soát sửa đổi cho phù hợp. Đây là lĩnh vực mới không chỉ với Việt Nam mà nhiều nước đều gặp phải.
"Thương mại điện tử phát triển rất mạnh, 20 -25%/ năm, quy mô thương mại 21 tỷ USD. Với tốc độ này trong tương lai còn phát triển hơn nữa..", Bộ trưởng đánh giá. Với trường hợp vi phạm mà chứng minh được thì đương nhiên sẽ xóa vĩnh viễn trang bán hàng hoặc yêu cầu chủ phòng livestream phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Điều hành sau đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu phần tranh luận còn lại của ĐB Nguyễn Chí Nghĩa, Bộ trưởng trả lời bằng văn bản.
Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên xin phép trả lời nhanh, những trường hợp vi phạm có thể hoàn tất hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho biết, một trong những hạn chế của thương mại điện tử là khó xây dựng lòng tin của người tiêu dùng. Trong đó, vấn đề về bảo mật và an toàn thông tin cá nhân, các trường hợp vi phạm dữ liệu cá nhân và gian lận thương mại khiến cử tri lo lắng, do dự khi tiến hành thanh toán trực tuyến. ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nước ta đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn. Đó là: người tiêu dùng phải đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém chất lượng, tính an toàn thấp chưa được kiểm soát chặt chẽ đã và đang bao vây, sẵn sàng đổ bộ vào nước ta, ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng; thất thu thuế.
Tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân, mua bán, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng tuy không phổ biến nhưng thời gian qua Bộ Công thương đã nhận diện rõ vấn đề này. Bộ trưởng cho biết, ngày 1/7, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực, hy vọng sẽ góp phần khắc phục tình trạng trên.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Công an xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm các quy định của pháp luật toàn diện với mọi lĩnh vực, trong đó có thương mại điện tử. Ngoài ra, cần đẩy mạnh truyền thông về các quy định mới của pháp luật; yêu cầu các tổ chức cá nhân kinh doanh xây dựng quy tắc bảo mật thông tin; yêu cầu sản giao dịch điện tử công khai chính sách bảo vệ thông tin cá nhân người tiêu dùng.
>> 'Chết' để được nổi tiếng: Góc khuất ngành công nghiệp livestream trăm tỷ USD của Trung Quốc
'Chết' để được nổi tiếng: Góc khuất ngành công nghiệp livestream trăm tỷ USD của Trung Quốc
Truy thu gần 3.000 tỷ đồng từ hơn 22.000 vụ vi phạm thuế thương mại điện tử và livestream bán hàng