'Chết' để được nổi tiếng: Góc khuất ngành công nghiệp livestream trăm tỷ USD của Trung Quốc

03-06-2024 15:00|Phương Nhi

Thất nghiệp hoặc chán ngấy với thời gian làm việc kéo dài, giới trẻ ở Trung Quốc bị thu hút trước lĩnh vực phát trực tiếp với thu nhập khủng.

Một buổi chiều trong căn hộ tại Thượng Hải, Shihan Xu tiến hành trang điểm thật kỹ lưỡng. Sau đó, cô bật đèn trợ sáng, cố định điện thoại lên giá ba chân và nhìn mình lần cuối trong gương. Trong 5 phút nữa, cô ấy sẽ bắt đầu phát trực tiếp trên Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok.

“Các anh em, chào mừng đến với buổi phát trực tiếp của tôi! Gần đây các bạn có nhớ tôi không?”, người phụ nữ 31 tuổi lớn tiếng hét vào camera.

Sau khi bị sa thải khỏi vị trí nhà thiết kế nội thất vào đầu năm 2023, Xu bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực phát trực tiếp. Sau sáu tháng, kênh của cô đã thu hút được 5.627 người theo dõi và một trong những buổi phát trực tiếp của Xu đã đạt vị trí thứ 3 trong danh sách xu hướng ở Thượng Hải.

“Nó giống như một vở hài kịch độc thoại”, cô nói. “Bạn phải hài hước và giữ nhịp điệu”.

Thu nhập hiện tại của cô, sau khi một nửa cho Douyin và chia sẻ 8% cho hội nhóm của mình, còn khoảng 30.000 nhân dân tệ mỗi tháng (khoảng hơn 100 triệu đồng), cao gấp ba lần mức lương cũ của cô.

Tương tự như Xu, Li Jiaqi, từng là nhân viên bán hàng của L'Oréal, đã trở nên nổi tiếng với biệt danh "vua son môi" thông qua hoạt động thương mại điện tử phát trực tiếp. Anh từng bán được 15.000 thỏi son trong 5 phút và thu hút được gần 45 triệu người hâm mộ trên Douyin (Tiktok phiên bản Trung Quốc).

Liu Mama, một nông dân nuôi lợn ở phía Đông Bắc Trung Quốc, đã chia sẻ về cuộc sống của mình trên nền tảng xã hội Kuaishou. Người phụ nữ qua đó thu về hàng triệu người theo dõi và kiếm được 1 triệu nhân dân tệ (3,5 tỷ đồng) mỗi tháng.

Lin Jian, trợ lý giáo sư tại Đại học Trung văn Hồng Kông cho hay: “So với các phương tiện truyền thông chính thống do Nhà nước kiểm soát và sản xuất chuyên nghiệp, các buổi phát trực tiếp hiện có nhiều nội dung đa dạng và có vẻ chân thực hơn”.

'Chết' để được nổi tiếng: Góc khuất ngành công nghiệp livestream trăm tỷ USD của Trung Quốc
Những người có ảnh hưởng có lượng người theo dõi lớn tại Trung Quốc có thể kiếm được số tiền khủng trên mạng xã hội. Ảnh: Douyin

“Đối với sinh viên hoặc nhân viên làm việc theo phong cách 996 (từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần), phát trực tiếp giúp cuộc sống của họ trở nên sôi động hơn”, ông nói thêm.

Bùng nổ cơn sốt KOL

Theo thống kê của Chính phủ Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc đại lục đối với lao động từ 16 đến 24 tuổi ở mức 14,9% vào tháng 12/2023. Điều này đã khiến nhiều người trẻ đầy hy vọng khác đã nhảy vào nhóm người có sức ảnh hưởng.

Người có sức ảnh hưởng (KOL) hay “wanghong” - một từ thông dụng của Trung Quốc dành cho những người nổi tiếng trên Internet, đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế nước này. Bằng cách tạo ra lưu lượng truy cập trên mạng xã hội và tiếp thị tới lượng người hâm mộ đông đảo, những người có ảnh hưởng tạo ra doanh thu “khổng lồ” cho nền tảng.

Đối với hàng triệu thanh niên không thể tìm được việc làm, việc tham gia các buổi phát trực tiếp đã trở thành một giải pháp thay thế cho những công việc truyền thống tại các công ty.

'Chết' để được nổi tiếng: Góc khuất ngành công nghiệp livestream trăm tỷ USD của Trung Quốc
Ảnh minh họa

Trong một cuộc khảo sát năm 2023 với hơn 10.000 thanh niên trên Weibo, một nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc, hơn 60% số người được hỏi cho biết họ sẽ quan tâm đến việc trở thành người có ảnh hưởng trên Internet hoặc streamer.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nền kinh tế “influencer” đã tăng từ 241,9 tỷ nhân dân tệ (33 tỷ USD) năm 2018 lên 1,3 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2020 (179 tỷ USD) và dự kiến ​​sẽ đạt 6,7 nghìn tỷ nhân dân tệ (hơn 925 tỷ USD) vào năm 2025.

Từ tháng 9/2021 đến tháng 10/2022, đã có hơn 10 triệu KOL với hơn 10.000 người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, đăng trung bình 38,3 triệu bài đăng mỗi ngày.

Nền tảng Douyin, được ByteDance ra mắt vào năm 2016, đã thống kê có hơn 752 triệu người dùng hoạt động hàng tháng ở Trung Quốc vào tháng 11/2023 và dự kiến ​​sẽ vượt qua 835 triệu vào năm 2025.

Phát trực tiếp bùng nổ một cách tự nhiên trong đại dịch Covid-19. Vào năm 2022, ước tính khoảng 500 tỷ USD hàng hóa được bán qua các buổi phát trực tiếp ở Trung Quốc – tăng gấp 8 lần so với năm 2019.

Tính đến tháng 6/2023, theo Trung tâm Tin tức Internet Trung Quốc, hơn 765 triệu người – khoảng 70% người dùng Internet của cả nước – đã theo dõi các buổi phát trực tiếp.

“Chết” để nổi tiếng

Giữa hàng triệu người phát trực tiếp, việc theo đuổi những nội dung giật gân để thu hút sự chú ý là vô cùng quan trọng, nhưng điều này cũng có thể để lại nhiều hệ lụy.

Trở lại tháng 3/2021, cái chết đột ngột của Paopaolong, 29 tuổi, đã khiến cộng đồng mạng không khỏi bàng hoàng. Paopaolong, tên thật là Yu Hailong, có hơn 10 triệu người theo dõi trên Douyin và nổi tiếng với việc quay trực tiếp “mukbang” các bữa tiệc buffet tại nhà hàng.

Mặc dù hội nhóm của Yu cho biết trong một tuyên bố chính thức rằng anh ấy chết vì kiệt sức khi đang quay một quảng cáo phục vụ cộng đồng, nhưng người hâm mộ vẫn dấy lên suy đoán rằng nguyên nhân là do việc ăn uống vô độ trong thời gian dài của Yu.

Vào năm 2020, những người theo dõi anh bày tỏ lo lắng khi Yu bị rụng tóc rõ rệt và cân nặng của anh tăng vọt lên 160kg.

Trái ngược với đó, tháng 5/2023, một người có sức ảnh hưởng 21 tuổi tên là Cuihua, người có cuộc chiến chống béo phì thu hút hơn 9.000 người theo dõi trên Douyin, đã qua đời khi đang cố gắng giảm 100kg tại một “trại giảm cân”.

'Chết' để được nổi tiếng: Góc khuất ngành công nghiệp livestream trăm tỷ USD của Trung Quốc
Người có sức ảnh hưởng tên Cuihua đã chết khi đang cố gắng giảm cân. Ảnh: Douyin

Những hình ảnh cuối cùng được ghi lại cho thấy cô đã phải trải qua các bài tập luyện tập cường độ cao và liên tục phàn nàn về việc cảm thấy không khỏe ngay trước khi qua đời.

Vài tuần trước khi Cuihua qua đời, một người có sức ảnh hưởng 26 tuổi tên là Zhongyuanhuangge đã qua đời trong một cuộc thi uống rượu được phát trực tiếp.

Để thu hút người xem, anh ta đã uống hai chai baijiu, một loại rượu có nồng độ cồn từ 35 đến 60%. Chỉ hai tuần sau đó, trào lưu uống rượu đã cướp đi mạng sống của một người nổi tiếng khác, tên là Sanqiange.

Người đàn ông 34 tuổi được phát hiện đã chết vài giờ sau khi phát trực tiếp cảnh mình uống rượu baijiu như một phần của “thử thách PK” trên Douyin. Theo đó, những người có ảnh hưởng cạnh tranh sẽ tham gia một cuộc chiến ảo để giành quà từ người xem, người thua sẽ nhận hình phạt.

'Chết' để được nổi tiếng: Góc khuất ngành công nghiệp livestream trăm tỷ USD của Trung Quốc
Sanqiange qua đời sau khi phát trực tiếp thử thách uống rượu trên TikTok. Ảnh Douyin

Tiến sĩ Jian Xu, chuyên gia về văn hóa truyền thông kỹ thuật số Trung Quốc cho biết khi mọi người đều muốn trở thành người nổi tiếng và thu hút lưu lượng truy cập bằng mọi cách thì “khung cảnh hỗn loạn sẽ được hình thành”.

Cuộc trấn áp của Bắc Kinh

Những trường hợp cực đoan này là lý do chính đáng để Bắc Kinh tiến hành các cuộc trấn áp gần đây đối với nền kinh tế kỹ thuật số.

Trong một bài đăng được đăng lên tài khoản WeChat chính thức của mình vào ngày 16/1, Douyin cho biết chiến dịch “dọn dẹp” các buổi phát trực tiếp ngoài trời vào năm 2023 đã đóng cửa hơn 290.000 tài khoản. Động thái này diễn ra khi công ty tìm cách kiềm chế các vấn đề như ngôn ngữ thô tục ở nơi công cộng và quấy rối người qua đường.

Trước đó, năm 2020, khi thử thách “vua bụng bự” càn quét cõi mạng xứ Trung, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã đóng cửa 13.600 tài khoản mukbang vì hành vi khuyến khích lãng phí thực phẩm.

Xu nói rằng khi các nền tảng phải cân nhắc giữa tuân thủ các quy định của Chính phủ và thị trường người có ảnh hưởng với lợi nhuận khủng, các quy định đôi khi không được thực thi một cách nghiêm ngặt.

Một khi sự chú ý của Chính phủ Trung Quốc giảm bớt, các hành vi bị cấm như ăn uống quá đà hoặc uống rượu thường xuất hiện trở lại dưới một hình thức được điều chỉnh và tinh vi hơn.

Những người có ảnh hưởng phải điều chỉnh hành vi của họ để tuân thủ các quy tắc và tồn tại trước các chính sách luôn thay đổi của Chính phủ. “Những người không tuân thủ các quy tắc có thể kết thúc sự nghiệp phát trực tiếp của mình”, Xu cho hay. Theo quy định mới, ai vi phạm sẽ dẫn đến lệnh cấm ba ngày hoặc xóa tài khoản.

>> Tài tình như CEO ở đất nước tỷ dân: Thu về 1.000 tỷ đồng sau 3 tiếng livestream, lái xe 'sương sương' cũng hút 39 triệu lượt xem

Người đàn ông Trung Quốc sử dụng 4.600 điện thoại để tạo tương tác ảo trên livestream, kiếm về gần 11 tỷ đồng chỉ sau 4 tháng

'Gã khổng lồ' TMĐT Trung Quốc chuẩn bị tung 'chiến thần livestream' bằng AI trông giống hệt CEO, chuyển động chân thực đến ngỡ ngàng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chet-de-duoc-noi-tieng-goc-khuat-nganh-cong-nghiep-livestream-tram-ty-usd-cua-trung-quoc-237203.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Chết' để được nổi tiếng: Góc khuất ngành công nghiệp livestream trăm tỷ USD của Trung Quốc
    POWERED BY ONECMS & INTECH