Mặc dù ngày nay, loại bệnh này đã có phác đồ điều trị với tỷ lệ thành công cao, nhưng vào thời xa xưa, nó lại là một nỗi kinh hoàng của nhân loại.
Khi nền văn minh nhân loại phát triển, các bệnh truyền nhiễm cũng không nằm ngoài quy luật đó và ngày càng trở nên phổ biến hơn. Các cộng đồng đông đúc, nơi con người sinh sống sát cánh cùng với động vật, thường phải đối mặt với điều kiện vệ sinh và dinh dưỡng kém, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và lây lan của các mầm bệnh. Đồng thời, các tuyến đường giao thương quốc tế mở rộng đã trở thành con đường lây truyền nhanh chóng của những bệnh nhiễm trùng mới, dẫn đến sự bùng phát của những đại dịch toàn cầu đầu tiên. Một trong số đó không thể không nhắc đến “Cái chết đen”- dịch bệnh từng quét sạch một nửa dân số châu Âu.
Thời kỳ đen tối ở châu Âu
Trong lịch sử, đã ghi nhận nhiều trận đại dịch hạch, gây ra cái chết cho hàng chục triệu người. Điển hình như trận "đại dịch hạch" bùng phát vào năm 1665 ở Anh với 60.000 người chết; đại dịch bùng phát ở Trung Quốc vào năm 1855 sau đó lan rộng sang tất cả các lục địa có người ở và cuối cùng giết chết 12 triệu người. Tuy nhiên, sự kiện có quy mô lớn nhất, với sức tàn phá nặng nề nhất và cũng được nhiều người biết đến nhất chính là sự kiện được gọi là "Cái chết đen”, xảy ra ở châu Âu trong thế kỷ XIV. ( Cái chết đen là tên gọi của đại dịch xảy ra ở châu Á và châu Âu trong thế kỷ XIV).
Vào thời điểm đó, không ai biết chính xác cách mà “Cái chết đen” lây lan từ người này sang người khác, cũng như không ai biết cách phòng ngừa hay điều trị bệnh. Thậm chí, một số bác sĩ còn tin rằng cái chết tức thời xảy ra khi linh hồn của người bệnh không thể thoát ra và tấn công những người khỏe mạnh đứng gần và nhìn vào người bệnh.
Trong cơn hoảng loạn, nhiều người khỏe mạnh đã làm mọi cách có thể để tránh xa những người mắc bệnh. Các bác sĩ từ chối gặp bệnh nhân, các linh mục từ chối thực hiện các nghi thức tang lễ. Các chủ cửa hàng đóng cửa kinh doanh. Nhiều người đã bỏ chạy khỏi các thành phố để về nông thôn với hy vọng thoát khỏi đại dịch “Cái chết đen”.
Tại nhiều thành phố đông dân, tỷ lệ thiệt mạng đã vượt quá 50% dân số. Ở Paris, khoảng một nửa dân số, tức 100.000 người, đã thiệt mạng vì Cái chết Đen. Tại Firenze, Ý, dân số giảm từ khoảng 120.000 người xuống còn khoảng 50.000 người vào năm 1338. Trong khi đó, người dân sống ở những vùng hẻo lánh lại chịu thiệt hại ít hơn so với khu vực thành thị.
Ước tính có khoảng 75 - 200 triệu người là nạn nhân của đại dịch này trong thế kỷ XIV, trong đó có khoảng 50 triệu nạn nhân tại châu Âu. Kết quả của các nghiên cứu cho thấy khoảng 45 - 50% dân số châu Âu đã mất mạng vì dịch hạch chỉ trong vòng 4 năm.
Sự tàn phá của dịch hạch đã dẫn đến nhiều thay đổi lớn trong xã hội châu Âu. Màu đen u ám bao trùm khắp nơi. Từ từng hang cùng ngõ hẻm trong thành phố đến các làng mạc, xác người bị nổi hạch toàn thân chưa kịp chôn cất nằm ngổn ngang. Cuối cùng, người ta phải đào những hố chôn tập thể để giải quyết tình trạng này. Ước tính châu Âu đã phải mất 150 năm để phục hồi dân số trở lại mức trước thời đại dịch.
Giải mã bí ẩn về nguồn gốc "Cái chết đen"
Trong hàng trăm năm, nguyên nhân gây ra bệnh dịch hạch vẫn là một bí ẩn, bị che giấu trong những điều mê tín dị đoan. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển của khoa học và sự ra đời của kính hiển vi, thủ phạm thực sự của căn bệnh chết người này cuối cùng đã được tiết lộ. Năm 1894, Alexandre Yersin đã phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh dịch hạch, được đặt tên là Yersinia pestis.
Yersinia pestis là một loại vi khuẩn hình que cực kỳ độc hại, vô hiệu hóa hệ thống miễn dịch của vật chủ bằng cách tiêm chất độc vào các tế bào miễn dịch như đại thực bào, vốn có nhiệm vụ phát hiện và tiêu diệt vi khuẩn xâm nhập. Khi các tế bào này bị vô hiệu hóa, vi khuẩn có thể nhân lên nhanh chóng mà không gặp trở ngại.
Bệnh dịch hạch đặc trưng bởi các hạch bạch huyết sưng đau, thường xuất hiện ở vùng háng, nách hoặc cổ. Các vết loét trên da trở nên đen, do đó nó cũng tương ứng với tên gọi "Cái chết đen". Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh dịch hạch có thể chuyển sang viêm phổi và nhiễm trùng máu, gây tử vong với tỷ lệ rất cao.
Trái ngược với thông tin phổ biến, chuột không phải là nguyên nhân trực tiếp bắt đầu sự lây lan của bệnh dịch hạch. Thực tế, bệnh dịch hạch là do bọ chét nhiễm bệnh truyền cho chuột, khiến chuột trở thành nạn nhân đầu tiên. Con người bị lây bệnh khi bị bọ chét nhiễm vi khuẩn dịch hạch cắn hoặc khi tiếp xúc với loài gặm nhấm đã bị nhiễm trùng từ vết cắn của bọ chét mang bệnh.
Mặc dù ngày nay, bệnh dịch hạch đã có phác đồ điều trị hiệu quả với tỷ lệ thành công cao, nhưng vào thời xa xưa, nó vẫn là một nỗi kinh hoàng của nhân loại.
>> Kế hoạch ứng phó với đại dịch tương lai vẫn là "bài toán khó"