Đại gia Lê Xuân Trường báo cáo gì về việc lấy đất rừng xây khu du lịch trong Vườn Quốc gia Tam đảo?
Khu vực thực hiện dự án 68ha thuộc địa phận vườn quốc gia Tam Đảo. Chủ đầu tư dự định xây hàng loạt nhà nghỉ, trung tâm ẩm thực, khu quảng trường… để phục vụ du khách.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến tham vấn cộng đồng đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án khu du lịch sinh thái số 2 (Vườn quốc gia Tam Đảo) do CTCP Nam Tam Đảo làm chủ đầu tư.
Theo đó, báo cáo ĐTM của dự án cho biết, khu vực thực hiện dự án có diện tích khoảng 68ha thuộc tiểu khu 102, 105A tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, cung cấp dịch vụ nghỉ ngơi, vui chơi giải trí.
Về pháp lý, đầu năm 2022, theo báo cáo ĐTM được công bố, nhà đầu tư và vườn quốc gia Tam Đảo (chủ rừng) đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng đặc dụng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phù hợp với Luật Lâm nghiệp.
Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường và có yếu tố nhạy cảm về môi trường nên phải thực hiện ĐTM theo Luật Bảo vệ môi trường. CTCP Nam Tam Đảo (ông Lê Xuân Trường - Tổng giám đốc, là người đại diện) đã kết hợp cùng CTCP Dịch vụ và phát triển Trường Thành (đơn vị tư vấn, đại diện là ông Nguyễn Trần Mạnh - Giám đốc) xây dựng báo cáo ĐTM trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt.
Chủ đầu tư cam kết thực hiện xây dựng trên diện tích đất riêng, không ảnh hưởng đến đất rừng
Chủ đầu tư Nam Tam Đảo nêu trong báo cáo ĐTM, dự án chỉ thực hiện thuê môi trường rừng, không thực hiện thuê đất, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Trong diện tích 68ha, chủ đầu tư dự kiến xây dựng nhiều nhà nghỉ, Bungalow (nhà gỗ), nhà hàng - dịch vụ (trung tâm ẩm thực, nhà dịch vụ sinh hoạt cộng đồng), khu quảng trường - sân lễ hội, khu cây xanh dịch vụ (khu vườn thực vật - vườn Nhật; khu thể thao - dã ngoại, cắm trại, công viên nước).
Tại báo cáo ĐTM, công ty Nam Tam Đảo khẳng định chỉ thực hiện xây dựng các công trình trên phần diện tích đất trống, trảng cỏ, đất có cây bụi, đất rừng trồng và đất khác.
Khu vực dự kiến xây dựng các công trình chủ yếu do người dân đã canh tác trước đó, gồm cây thông (đường kính từ 20-40cm), keo, bạch đàn, hải đường, cây hoa ban. Đất cây xanh chủ yếu cây cỏ và cây bụi.
Báo cáo ĐTM thông tin thêm, dự án không tiếp giáp với khu dân cư; phía Tây giáp với Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo của cùng nhà đầu tư (công ty Nam Tam Đảo). Giao thông ở đây chỉ có một đường duy nhất, hiện tại đã được hoàn thiện đổ bê tông từ đường tỉnh DT301 (AV-05) vào dự án.
Dự án này cách sân bay Nội Bài (Hà Nội) 30km, cách TP. Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) 10km và cách hồ Đại Lải 4km.
Trong báo cáo ĐTM gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, công ty Nam Tam Đảo cho rằng dự án thuộc khu dịch vụ, hành chính của Vườn quốc gia Tam Đảo. Quanh khu vực không có khu bảo tồn thiên nhiên, các giá trị sinh thái quan trọng được quy định bảo tồn bởi pháp luật Việt Nam hay các công ước, hiệp ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Chiều cao xây dựng công trình sẽ phụ thuộc các chức năng được quy hoạch, nhưng không vượt quá 12m theo quy định. Cụ thể, khu dừng chân nghỉ ngơi 2 tầng, nhà hàng - dịch vụ 2 tầng, khu du lịch - sinh hoạt cộng đồng 2 tầng; khu quảng trường, sân lễ hội một tầng…
Khi triển khai dự án trong vùng rừng đặc dụng, nhà đầu tư sẽ phối hợp với vườn quốc gia Tam Đảo tổ chức lựa chọn loại cây phù hợp để trồng bổ sung và xen cấy tôn tạo lại các vùng rừng thưa, rừng phục hồi để tăng mật độ che phủ và phục hồi hệ sinh thái.
Chân dung đại gia đứng sau vụ lấy đất vườn quốc gia Tam Đảo làm khu du lịch
Theo cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp, CTCP Nam Tam Đảo trực thuộc CTCP Đầu tư Lạc Hồng, được thành lập vào năm 2004, có trụ sở tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tính đến tháng 11/2021, Nam Tam Đảo có vốn điều lệ 888 tỷ đồng, Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Lê Xuân Trường.
Trong đó, CTCP Đầu tư Lạc Hồng (gọi tắt công ty Lạc Hồng) được thành lập từ năm 2003, có trụ sở tại số 85 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội cũng do ông Lê Xuân Trường làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Công ty Lạc Hồng còn được biết đến khi thâu tóm nhiều dự án bất động sản lớn.
Doanh nghiệp của đại gia Lê Xuân Trường còn là chủ sở hữu của nhiều dự án quy mô lớn nằm rải rác ở những vị trí đất đắc địa khắp các tỉnh thành như: khu du lịch Tam Đảo tại thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo) với tổng vốn đầu tư khoảng 900 tỷ đồng; khu nghỉ dưỡng sinh thái Belvedere Resort (Tam Đảo) rộng 28ha, tổng mức đầu tư 270 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này cũng đầu tư dự án cáp treo Tây Thiên (260 tỷ đồng) và khu đô thị Chùa Hà Tiên (TP. Vĩnh Yên) gần 60ha, tổng vốn khoảng 300 tỷ đồng.
Ngoài thâu tóm đất Tam Đảo, Lạc Hồng còn sở hữu danh mục dự án lớn tại Hòa Bình như: khu nghỉ dưỡng khoáng nóng Serena Resort Kim Bôi Hòa Bình (30ha, gần 300 tỷ đồng); khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình tại xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc (hơn 161ha, 800 tỷ đồng)…
Bên cạnh đó, Lạc Hồng còn là chủ đầu tư dự án Hạ Long Bay View (Quảng Ninh) và khu đô thị - công viên - trung tâm hành chính mới tại Khánh Hoà…
>> Giá chung cư Hà Nội tăng 'vượt mặt' TP. HCM trong những tháng cuối năm