Đại gia Việt đem 500 tỷ gửi tiết kiệm lấy lãi để làm giải thưởng khoa học, xây khu vui chơi ‘trăm triệu đô’ đình đám nhất Hà Nội 20 năm về trước
Ông là một doanh nhân kín tiếng nhưng sở hữu khối tài sản đồ sộ với hoạt động trải rộng ở nhiều lĩnh vực như bất động sản, y tế, giáo dục, du lịch...
Tối 11/5, bốn công trình xuất sắc thuộc các lĩnh vực bảo vệ vật nuôi và môi trường, khoa học sức khỏe, công nghệ - kỹ thuật và khoa học xã hội - nhân văn đã được vinh danh tại Giải thưởng Bảo Sơn, mỗi công trình nhận mức thưởng 120.000 USD (hơn 3 tỷ đồng).
Trong số bốn công trình được trao giải năm nay, hai công trình đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội. Đó là công trình nghiên cứu và ứng dụng vật liệu cùng kết cấu compozit ba pha tiên tiến trong kỹ thuật - thuộc lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, do GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) chủ trì thực hiện.
Công trình thứ hai mang tên Lịch sử chính sách dân tộc của những người Cộng sản Việt Nam - thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, do GS.TS Furuta Motoo - Hiệu trưởng Trường Đại học Việt - Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội nghiên cứu.
Hai công trình còn lại bao gồm: công trình nghiên cứu và sản xuất vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi (tên sản phẩm: AVAC ASF LIVE) - thuộc lĩnh vực bảo vệ vật nuôi và môi trường, do Tiến sĩ Nguyễn Văn Điệp (Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam) thực hiện.
Công trình cuối cùng là nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lý tuyến giáp – thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe, do Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS Trần Ngọc Lương nghiên cứu và triển khai.

Giải thưởng Bảo Sơn được thành lập vào năm 2010 nhằm tôn vinh các nhà khoa học có công trình nghiên cứu, sáng chế mang tính ứng dụng cao. Đáng chú ý, toàn bộ nguồn kinh phí cho giải thưởng đều đến từ đóng góp cá nhân của ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn.
Ngay trong năm sáng lập, ông Sơn đã dành 500 tỷ đồng để gửi tiết kiệm. Với lãi suất 7,5% mỗi năm, số tiền lãi khoảng 37,5 tỷ đồng được trích ra hàng năm để phục vụ cho các hoạt động của giải thưởng.
Đại gia kín tiếng và đế chế Bảo Sơn đa ngành

Trên thương trường, ông Nguyễn Trường Sơn được biết đến là một trong những doanh nhân kín tiếng nhưng sở hữu khối tài sản không hề thua kém ai. Tập đoàn Bảo Sơn do ông sáng lập hiện hoạt động trong nhiều lĩnh vực: bất động sản, y tế, giáo dục, tư vấn xuất khẩu lao động, thẩm mỹ, du lịch trong và ngoài nước...
Sinh năm 1945 tại Nghệ An, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cao Cơ Điện vào năm 1965, ông Sơn được Bộ Cơ khí luyện kim cử sang Bulgaria du học ngành thiết kế chế tạo biến thế và máy điện. Năm 1972, ông hoàn tất chương trình học và trở về nước với tấm bằng kỹ sư thực hành.
Năm 1989, ông Sơn được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu và Dịch vụ may thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Hai năm sau, ông quyết định chuyển công ty sang mô hình ngoài quốc doanh. Từ đây, Công ty Dịch vụ Đầu tư và Du lịch Nghi Tàm - tiền thân của Tập đoàn Bảo Sơn chính thức ra đời.

Tập đoàn bắt đầu gây tiếng vang với dự án Khách sạn Bảo Sơn, khách sạn tiêu chuẩn 4 sao sớm nhất tại Hà Nội, khai trương vào năm 1995, tọa lạc trên đại lộ lớn của Thủ đô, với quy mô 100 phòng nghỉ, 2 phòng hội nghị, nhà hàng Âu - Á.
Đến năm 2005, tập đoàn tiếp tục ghi dấu ấn khi đưa vào vận hành Công viên Thiên đường Bảo Sơn với quy mô 20ha, tổng mức đầu tư lên đến 100 triệu USD (gần 2.600 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại), trở thành điểm đến giải trí nổi bật của Hà Nội.
Thành công đến sau những lần “vượt bão”

Một trong số đó là vào năm 1985, khi ông còn là Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hoàn Kiếm. Khi ấy, ông thực hiện thương vụ đổi hạt nhựa PE, PVC từ Cộng hòa Dân chủ Đức để lấy 200 tấn cà phê Robusta của Việt Nam theo hiệp định ngoài Nghị định thư.
Dù mang tính chiến lược nhằm tạo công ăn việc làm và xoay vòng vốn, thương vụ này lại khiến ông hứng chịu vô số lời đồn đoán, nghi ngờ, thậm chí cáo buộc móc ngoặc. Nhờ sự hỗ trợ từ lãnh đạo các bộ, ngành, ông đã xuất được 200 tấn cà phê sang Liên Xô, đổi lại hơn 20.000 tấn phân đạm - một thành công lớn nhưng cũng đầy sóng gió.
Thương vụ thứ hai cũng đầy gian truân là xuất khẩu 150.000 chiếc áo thêu sang Ba Lan để đổi lấy 80.000m vải giả da và hàng nghìn phích nước. Ông đã phải đối mặt với thanh tra, kiểm tra liên tục, nhưng với bản lĩnh của mình, ông đã chứng minh sự trong sạch và vượt qua bủa vây dư luận.
Tiếp theo là một hợp đồng xuất khẩu hàng may mặc và thủ công mỹ nghệ sang Hungary, trị giá lên đến 1 triệu USD - con số rất lớn thời bấy giờ. Tuy nhiên, đúng lúc hợp đồng bước vào lần giao hàng thứ hai thì Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã, khiến đối tác phía Hungary không thanh toán. Ông Sơn lại tiếp tục phải gồng gánh và giải quyết hậu quả gần như một mình.
Sau những thử thách, đến nay Tập đoàn Bảo Sơn đã phát triển thành hệ sinh thái đa ngành với 16 công ty thành viên. Hoạt động trải rộng từ đầu tư bất động sản, khách sạn, khu vui chơi giải trí, y tế, giáo dục…
Trong lĩnh vực giáo dục, Bảo Sơn đã thành lập Trường Cao đẳng nghề Dịch vụ Bảo Sơn và Trường Trung cấp Y Dược Bảo Sơn, hướng đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường trong nước và quốc tế.
Năm 2015, Tập đoàn tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực y tế khi cho ra đời Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn tại số 52 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Hiện nay, tập đoàn cũng đang đầu tư xây dựng khu tổ hợp bệnh viện - nhà dưỡng lão tại Sơn Tây (Hà Nội).

Đặc biệt, Công ty Thiên đường Bảo Sơn - đơn vị quản lý tổ hợp vui chơi giải trí cùng tên - được đánh giá là một trong những “cỗ máy kiếm tiền” hiệu quả nhất của Tập đoàn, với doanh thu hàng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Thu hồi, tiêu hủy trên toàn quốc dầu gội Hanayuki của 'đại gia quận 7' Đoàn Di Băng
'Đại gia' làng bóng 'xuống bút', Nguyễn Xuân Son giữ kỷ lục hiếm có