Đại hỏa hoạn sau động đất 'thiêu rụi' 100.000 người, đất đai và tài sản thảm khốc
Nguyên nhân của vụ cháy được xác định là do trận động đất kinh hoàng và trở thành thảm họa thiên tai chết chóc nhất trong lịch sử.
Ngày 1/9/1923, một trận động đất kinh hoàng với cường độ 7,9 độ richter đã tàn phá khu vực xung quanh Thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Vụ thảm họa được gọi là đại thảm họa động đất Kanto, trở thành một trong những sự kiện chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại, cướp đi sinh mạng của hơn 105.000 người.
Tuy nhiên, điều kinh hoàng hơn cả sự rung chuyển dữ dội của động đất chính là những đám cháy bùng lên sau đó. Lửa bùng lên dữ dội, thiêu rụi một diện tích đất đai và tài sản khổng lồ, góp phần vào con số thương vong thảm khốc. Ước tính 90% nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa này không phải do trực tiếp bị động đất hay nhà sập, mà là do hỏa hoạn tàn phá.
Trước thảm kịch động đất Kanto xảy ra vào năm 1923, nhà địa chấn học Imamura Akitsune, khi đó là trợ lý giáo sư tại Đại học Hoàng gia Tokyo, đã đưa ra dự báo về nguy cơ hỏa hoạn lan rộng sau trận động đất lớn. Ông đưa ra giả thuyết về một trận động đất mạnh có thể xảy ra ở khu vực Tokyo vào năm 1905, đồng thời cảnh báo về nguy cơ hỏa hoạn kéo dài do hoạt động địa chấn gây ra.
Để giảm thiểu thiệt hại do thảm họa tiềm ẩn, Imamura đề xuất một số giải pháp. Ông kêu gọi loại bỏ đèn lồng bằng dầu hỏa - nguồn nguy cơ hỏa hoạn tiềm ẩn và tạo khoảng cách giữa các tòa nhà mới được xây dựng để hạn chế sự lan rộng của ngọn lửa trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn.
Tuy nhiên, như thông thường, cảnh báo của Imamura bị phớt lờ, thậm chí bị các nhà địa chấn học khác chế giễu. Đặc biệt, một đồng nghiệp là Ōmori Fusakichi bác bỏ kết luận của Imamura dựa trên quan niệm động đất hiếm khi xảy ra trong thời tiết gió bão, nghĩa là không có đủ gió để đám cháy lan rộng trong sự kiện như vậy.
Thực tế, ông Ōmori đã sai. Vào buổi trưa định mệnh 1/9/1923, khi người dân Tokyo đang chuẩn bị cho bữa trưa, một trận động đất kinh hoàng ập đến, khiến mặt đất rung chuyển dữ dội. Bếp gas và lò nướng lật đổ, tia lửa điện văng khắp nơi, châm ngòi cho hàng loạt đám cháy bùng phát dữ dội. Chỉ trong vòng 30 phút ngắn ngủi, ngọn lửa đã lan rộng khắp thành phố, thiêu rụi vô số nhà cửa và cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người.
Theo lời kể của nhà khoa học Charles Scawthorn thuộc Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật Trái Đất Thái Bình Dương tại Đại học California, Berkeley, số lượng đám cháy bùng phát cùng lúc đã vượt quá khả năng kiểm soát của đội cứu hỏa Tokyo. Tình hình càng trở nên hỗn loạn khi hàng trăm đường ống nước bị vỡ, khiến việc chữa cháy trở nên vô cùng khó khăn. Trong cơn hoảng loạn, những đám cháy nhỏ lẻ liên tục hợp nhất thành những cơn lốc lửa cuồng bạo, càn quét qua mọi thứ trên đường đi, gieo rắc tang thương và tàn phá nặng nề.
Tomoaki Nishino, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Phòng ngừa Thảm họa thuộc Đại học Kyoto, đã tiến hành nghiên cứu đánh giá tác động và mô hình hóa sự lan rộng của hỏa hoạn sau động đất, đặc biệt chú trọng đến ảnh hưởng của hướng và tốc độ gió. Nishino cũng khảo sát khả năng bùng phát hỏa hoạn đô thị ở Kyoto nếu xảy ra động đất mạnh dọc theo đứt gãy Hanaore.
Theo Nishino, quy mô hỏa hoạn sau động đất không chỉ phụ thuộc vào cường độ rung lắc mà còn chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác như điều kiện thời tiết và môi trường xung quanh. Khả năng xảy ra hỏa hoạn lớn sẽ thấp hơn ở khu vực có nhiều tòa nhà chống cháy hoặc mật độ xây dựng thấp. Tuy nhiên, trong trường hợp số lượng đám cháy bùng phát cùng lúc vượt quá khả năng dập lửa của lực lượng cứu hộ, nguy cơ thiệt hại sẽ gia tăng đáng kể.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy chưa đến 5% bài báo về động đất Kanto kiểm tra chi tiết các trận hỏa hoạn, bất chấp mức độ tàn phá mà chúng gây ra. Theo nghiên cứu của họ, tính toán gần đây chỉ ra các đám cháy gây tổng thiệt hại hơn 10 triệu USD trong khi ngân sách quốc gia năm 1923 là 9,3 triệu USD. Thay vì gọi đó là Thảm họa Đại động đất Kanto, nhóm tác giả nghiên cứu cho rằng sự kiện nên được gọi chính xác hơn là Thảm họa đại hỏa hoạn Kanto.
Mặc dù đã nhiều năm trôi qua kể từ những trận động đất kinh hoàng, mối đe dọa tiềm ẩn từ những đám cháy lớn vẫn hiện hữu tại những khu vực thường xuyên xảy ra hoạt động địa chấn mạnh. Một số vùng tập trung nhiều tòa nhà khung gỗ như bờ Tây nước Mỹ (Los Angeles, San Francisco, Seattle), Nhật Bản và New Zealand...
Trong vài năm gần đây, Nhật Bản đã thực hiện những bước tiến đáng kể trong việc giảm thiểu thiệt hại do hỏa hoạn sau động đất. Cụ thể, chính quyền của quốc gia này đã lắp đặt van ngắt ga tự động tại đồng hồ đo khí trên toàn quốc, hỗ trợ ngăn chặn rò rỉ khí tiềm ẩn dẫn đến cháy nổ khi có động đất xảy ra.