Đại học Bách Khoa đạt 1.000 tỷ đồng doanh thu/năm: Phí đại học đang tăng lên rất cao?

01-06-2023 17:32|Hoàng Long

Nhiều trường Đại học đã tăng học phí lên rất cao khiến phụ huynh, học sinh lo ngại về khả năng chi trả học phí và chất lượng đào tạo.

Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 1/6, phát biểu tranh luận với quan điểm tự chủ đại học nhưng các trường đại học đang bị bó buộc bởi các quy định nên không tự chủ được, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho biết, bên cạnh việc bó buộc thì có những quy định “đường mòn, lối mở” làm cho các trường đại học vận dụng, nhiều khi rất thoáng trong chính sách.

Theo đại biểu Nghĩa, hiện nay, học phí đại học đang tăng lên rất cao. Theo Nghị định 81, các trường sẽ được tự quyết học phí nếu kiểm định chương trình đào tạo. Từ đó, tạo nên làn sóng đua nhau thực hiện kiểm định để tăng học phí. Trên thực tế, có nhiều trường đã tăng lên rất cao, có những trường không mở ngành học bình thường nhưng lại mở ngành chất lượng cao.

Qua thực tế khảo sát tại một số trường đại học cho thấy, cơ chế tự chủ đã làm cho cạnh tranh giữa các trường đại học ngày càng gay gắt hơn, các trường đại học sẽ chạy theo những ngành đào tạo dễ tuyển sinh, làm mất cân đối trong chiến lược phát triển nhân lực quốc gia.

Được biết, theo đề án tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2023, mức học phí đối với sinh viên đại học chính quy của trường được xác định theo từng khóa, ngành/chương trình đào tạo căn cứ chi phí đào tạo.

Ví dụ, mức học phí năm học 2023-2024 của Đại học Bách khoa Hà Nội dao động từ 23-29 triệu đồng với các chương trình chuẩn. Các chương trình Chất lượng cao, ELITECH: 33 đến 42 triệu đồng/năm học, riêng các chương trình Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (IT-E10), Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (EM-E14) có học phí 57 - 58 triệu đồng/năm học.

Trong năm 2021, Đại học Bách khoa đã đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng một năm, đứng đầu danh sách các trường công lập có doanh thu cao nhất. Cụ thể, tổng nguồn thu đạt gần 1.426 tỷ đồng, trong đó doanh thu hoạt động sự nghiệp chiếm nhiều nhất với hơn 974,8 tỷ (chiếm 68,4%). Ngoài ra, trường có nguồn thu từ ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ chính sách và nghiên cứu khoa học, ngân sách cấp cho đầu tư SAHEP (ODA), thu từ các đề tài nghiên cứu khoa học nguồn từ các Sở địa phương và quỹ.

Không chỉ phương thức xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế của trường có yêu cầu cao, điểm chuẩn để thí sinh có thể đỗ vào trường theo phương thức xét tuyển bằng kết quả thi THPT cũng khiến nhiều “giật mình”.

Theo công bố trên website chính thức của trường, điểm chuẩn để trúng tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội hệ chính quy năm 2022 theo điểm thi tốt nghiệp THPT dao động 23,03-28,29 điểm. Ngành có mức điểm cao nhất là khối ngành công nghệ thông tin với lĩnh thuật kỹ thuật máy tính, 28,29 điểm, tương ứng với 9,43 điểm/môn.

Là một trường có thành tích xuất sắc, vậy nên tỷ lệ cán bộ giảng dạy có trình độ Tiến sĩ tại ĐH Bách khoa HN chiếm đến 75,4%, đứng đầu Việt Nam. Tỷ lệ giảng viên có học hàm GS.PGS cũng lên đến 23%.

Vào tháng 10/2022, Đại học Bách khoa HN đã công nhận và trao bằng tốt nghiệp hệ đại học chính quy cho 3.250 sinh viên (gần 70% sinh viên tốt nghiệp đúng hạn). Trong đó, 108 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, chiếm 3,3%; 708 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, chiếm 21,8%; 2.204 sinh viên tốt nghiệp loại khá, chiếm 67,8%.

Tinh trung bình mỗi năm, khoảng 700-800 sinh viên hệ chính quy của trường bị buộc thôi học, đa số do không đảm bảo được quy chế của trường. 70-80% trong số sinh viên bị buộc thôi học do sa đà, xác định mục tiêu không rõ ràng. Số còn lại xuất phát từ những nguyên nhân như mất động lực, ốm đau.

Theo Phó hiệu trưởng, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, thủ phạm chính đến từ game online. Ngoài ra có 40% phải trả nợ môn đến năm thứ sáu mới ra trường được. Mỗi năm trường có 5.000 sinh viên thì có khoảng 1.000 sinh viên tốt nghiệp trước thời hạn. Điều này cho thấy sự chênh lệch rất lớn giữa top đầu và top cuối.

Thầy Điền cho biết sự cạnh tranh của ngành đòi hỏi mức điểm đầu vào cao kỷ lục ở Công nghệ thông tin, một trong những ngành học hot nhất trường Bách khoa: "Nếu ra khỏi phòng thi, các em chắc chắn ba môn đều đạt điểm 10 thì hẵng suy nghĩ về việc nộp hồ sơ vào ngành này của trường. Tôi hiểu con số này rất cao nhưng chúng ta cũng cần cân bằng giữa mong muốn và năng lực của mình".

Không dừng lại ở đó, Đại học Bách khoa Hà Nội còn thực hiện nâng cấp các phòng học, phòng thí nghiệm, và phòng làm việc phù hợp với yêu cầu công việc cũng như chất lượng học tập của sinh viên. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập, các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp mạnh đã tài trợ phục vụ cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất cho Đại học Bách khoa với tổng kinh phí lên đến gần 14 tỷ đồng.

Thư viện Tạ Quang Bửu là công trình kỷ niệm 50 thành lập Đại học Bách khoa Hà Nội, có tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 200 tỷ đồng. Đây là một trong những thư viện lớn nhất trong hệ thống thư viện đại học ở Việt Nam, bao gồm 1 tòa nhà 10 tầng với diện tích 37.000m².

Nữ ca sĩ Việt sinh con cho tỷ phú Mỹ, sống xa hoa trong biệt thự triệu đô 1.400m2: Ái nữ được tuyển thẳng vào trường đại học danh tiếng tại Mỹ

Bộ không cấp tiền nhưng 'cho' chính sách để đại học kiểm định chất lượng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dai-hoc-bach-khoa-dat-1000-ty-dong-doanh-thunam-phi-dai-hoc-dang-tang-len-rat-cao-185798.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đại học Bách Khoa đạt 1.000 tỷ đồng doanh thu/năm: Phí đại học đang tăng lên rất cao?
    POWERED BY ONECMS & INTECH