Đại học quy mô lớn nhất VN bắt tay cùng ngôi trường danh tiếng bậc nhất Trung Quốc
Sáng kiến này được triển khai với mục tiêu tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.
Ngày 14/4, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Thanh Hoa đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ về việc thành lập "Mạng lưới đại học Việt Nam - Trung Quốc".
Sáng kiến này được triển khai với mục tiêu tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

Thông qua mạng lưới, các trường đại học thành viên sẽ có cơ hội thúc đẩy các chương trình nghiên cứu chung, đào tạo liên kết, tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học; chia sẻ tài liệu chuyên môn, ấn phẩm khoa học cũng như tăng cường trao đổi giảng viên và sinh viên giữa hai quốc gia.
Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh rằng, việc mở rộng hợp tác giữa các cơ sở giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển đội ngũ chuyên gia trình độ cao, tiếp cận và làm chủ các công nghệ tiên tiến, từ đó tạo nền tảng cho những bước phát triển bền vững trong kỷ nguyên chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Cũng trong khuôn khổ hợp tác lần này, hai trường đại học hàng đầu đã thống nhất xem xét việc thành lập Phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo Việt Nam - Trung Quốc. Đồng thời, hai bên cam kết đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực giáo dục kỹ thuật số, cùng chung tay giải quyết những cơ hội và thách thức mà trí tuệ nhân tạo và các hình thức đào tạo trực tuyến mang lại.

Được thành lập vào năm 1993, Đại học Quốc gia Hà Nội là kết quả của việc tái cấu trúc ba trường đại học lớn tại Hà Nội: Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội I và Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Từ đó, Đại học Quốc gia Hà Nội trở thành trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đây cũng là một trong những cơ sở giáo dục đại học được trao quyền tự chủ cao, đồng thời được Nhà nước ưu tiên đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng và nhân lực để hướng tới mục tiêu đào tạo chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển quốc gia.
Trong giai đoạn đầu, Đại học Quốc gia Hà Nội gồm Trường Đại học Đại cương cùng bốn trường đại học chuyên ngành: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Sư phạm và Trường Đại học Ngoại ngữ. Cùng với đó là hệ thống các viện nghiên cứu, trung tâm khoa học và các đơn vị phục vụ đào tạo – nghiên cứu. Tính đến nay, Đại học Quốc gia Hà Nội đã mở rộng quy mô lên 12 đơn vị đào tạo bậc đại học.
Một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của trường là vào ngày 19/5/2022, Đại học Quốc gia Hà Nội chính thức chuyển trụ sở làm việc từ địa chỉ 144 Xuân Thủy (Cầu Giấy) về khu đô thị đại học tại Hòa Lạc, Thạch Thất (Hà Nội). Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) ở Hòa Lạc có quy mô sử dụng đất là khoảng 1.113,7ha, trong đó khu dự án Đại học Quốc gia Hà Nội là 887,9ha, các cơ sở nghiên cứu cao cấp là 112,1ha, khu tái định cư là 113,7ha. Quy mô là khoảng 60.000 sinh viên, 3.500 học sinh chuyên và 6.550 cán bộ, nhân viên.
Theo chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt ra mục tiêu đầy tham vọng: lọt vào top 100 đại học hàng đầu châu Á và top 500 toàn cầu vào năm 2025; tiếp tục phấn đấu đạt vị trí trong nhóm 300 trường đại học hàng đầu thế giới vào năm 2030. Hiện tại, theo bảng xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds) – một trong những hệ thống xếp hạng uy tín hàng đầu thế giới – Đại học Quốc gia Hà Nội đang nằm trong nhóm 1.000 trường đại học xuất sắc toàn cầu.


Trong khi đó, Đại học Thanh Hoa là một trong những cơ sở giáo dục danh tiếng nhất của Trung Quốc, hiện xếp thứ 8 toàn cầu theo bảng xếp hạng của tổ chức Times Higher Education (THE).
Mối quan hệ hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Thanh Hoa đã được thiết lập từ năm 2006. Gần đây nhất, vào tháng 8/2024, hai bên đã ký kết biên bản ghi nhớ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, trao đổi học thuật và phối hợp tổ chức các sự kiện khoa học.
Ngoài ra, Đại học Thanh Hoa hiện là đơn vị khởi xướng và điều phối hoạt động của Liên minh MOOC và Giáo dục trực tuyến toàn cầu từ năm 2020. Với 23 thành viên đến từ 16 quốc gia, liên minh này là nền tảng kết nối các trường đại học hàng đầu thế giới. Trong thời gian tới, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ được Đại học Thanh Hoa hỗ trợ để gia nhập liên minh, mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến.
Phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nữ Giáo sư, Tiến sĩ đầu tiên của Đại học Bách khoa Hà Nội qua đời