Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định “Định giá của DPM có vẻ hấp dẫn với P/E dự phóng 2022/2023/2024 là 3,3/5,3/8,4 lần”.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2022, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí PVFCCo - Đạm Phú Mỹ (HOSE: DPM) đã thông qua nhiều nội dung quan trọng như kết quả kinh doanh và mức chia cổ tức.
Năm 2022, Đạm Phú Mỹ cho biết đã đạt các chỉ tiêu tài chính kỷ lục trong lịch sử hoạt động với doanh thu đạt gần 20.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế trên 6.400 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm 2021. Tăng trưởng chủ yếu nhờ lãi lớn 9 tháng đầu năm trong khi lợi nhuận trước thuế quý 4/2022 ước đạt 1.031 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ.
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 mới đây, ông Lê Cự Tân, Tổng giám đốc DPM cho biết, năm qua doanh nghiệp đã vận hành Nhà máy Đạm Phú Mỹ liên tục với công suất tối đa, đạt kỷ lục vận hành mới với sản lượng sản xuất đạt khoảng 1,15 triệu tấn phân bón và hóa chất các loại, trong đó sản xuất đạm ure ước đạt 912.000 tấn.
Với việc điều hành kinh doanh linh hoạt, hợp lý, DPM đã tận dụng thời điểm giá cao để xuất khẩu ure. Cụ thể sản lượng ure xuất khẩu năm 2022 đạt khoảng 190.000 tấn, tăng 280% so với kế hoạch năm và chiếm 23% tổng sản lượng ure kinh doanh trong năm 2022 của PVFCCo.
Đáng chú ý, ĐHĐCĐ Đạm Phú Mỹ đã thông qua việc nâng mức cổ tức bằng tiền mặt năm 2022 từ 50% lên 70%, đây cũng là mức cổ tức cao nhất của DPM kể từ khi hoạt động.
Theo đó, với mỗi cổ phiếu cổ đông sở hữu sẽ nhận về 7.000 đồng. Với hơn 391 triệu cổ phiếu đang lưu hành, DPM cần chi 2.800 tỷ đồng cho việc trả cổ tức.
Kết phiên 27/12, cổ phiếu DPM tăng 2,8% lên mức 43.000 đồng/cp.
Trong báo cáo ngành phân bón cập nhật ngày 17/11, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định “Định giá của DPM có vẻ hấp dẫn với P/E dự phóng 2022/2023/2024 là 3,3/5,3/8,4 lần – thấp hơn lần lượt 71%/54%/27% so với P/E trượt trung bình 5 năm của công ty cùng ngành trong khu vực”.
Đạm Phú Mỹ (DPM) có thể điều chỉnh giá bán ure do giá khí tự nhiên tăng cao
‘Làn sóng VAT’ sẽ thúc đẩy cổ phiếu đầu ngành phân bón tăng gần 20%