Đang nợ tài chính hơn 1.300 tỷ đồng, Trung An (TAR) vẫn muốn vay thêm
Nợ vay tài chính của Trung An tính tới 30/6/2023 là 1.383 tỷ chiếm một nửa nguồn vốn và gấp 1,1 lần vốn chủ sở hữu.
Ngày 6/9 vừa qua HĐQT CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Mã: TAR) đã thông qua phương án vay vốn tại Ngân hàng Malayan Banking Berhad (Malaysia) với hạn mức 230 tỷ đồng nhằm phục vụ cho việc bổ sung nguồn vốn lưu động. Khoản vay được đảm bảo bằng tài sản của Trung An.
Thời hạn cấp hạn mức là 12 tháng kể từ ngày ký kết hợp đồng tín dụng hạn mức. Thời gian vay đối với mỗi khoản vay được giải ngân là không vượt quá 6 tháng, lãi suất áp dụng thỏa thuận theo từng thời kỳ.
Theo ghi nhận của BCTC hợp nhất quý 2 năm 2023, tính đến ngày 30/6/2023, tổng nguồn vốn của Trung An đạt 2.753 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tổng nợ phải trả của công ty là 1.549 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ vay tài chính là 1.383 tỷ chiếm một nửa nguồn vốn và gấp 1,1 lần vốn chủ sở hữu.
Khoản nợ vay của Trung An chủ yếu là ngắn hạn, toàn bộ đều được vay từ các tổ chức Ngân hàng.
Về tình hình kinh doanh, Trung An vừa có quý báo lỗ lần đầu kể từ khi lên sàn đến nay. Cụ thể, doanh thu thuần quý 2 đạt 1.615 tỷ đồng, tăng 111% so với thực hiện cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn mức tăng doanh thu khiến lợi nhuận gộp co hẹp đáng kể, chỉ còn 67 tỷ đồng, tương ứng giảm 26% so với cùng kỳ. Kết quả Trung An báo lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với mức lãi gần 24 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Trung An ghi nhận doanh thu thuần và lãi gộp lần lượt đạt 2.513 tỷ đồng và 132 tỷ đồng, lần lượt tăng 46% và giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. LNST chỉ ghi nhận 606 triệu đồng do chi phí tài chính tăng mạnh lên tới 65 tỷ đồng tăng 62% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, Trung An lên kế hoạch kinh doanh thu 3.800 tỷ đồng, đi ngang; lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, giảm 33,5% so với thực hiện năm trước. Như vậy với kết quả đạt được trong nửa đầu năm, Trung An còn cần nỗ lực rất lớn để về được đích của năm.