‘Đảng Nước Mỹ’ của Elon Musk: Ngòi nổ chia rẽ nội bộ phe Cộng hòa?
Trong bối cảnh tỷ lệ cử tri mất niềm tin vào hệ thống lưỡng đảng ngày càng tăng, đảng mới của Musk được xem là yếu tố có thể phá vỡ thế cân bằng mong manh tại các bang chiến trường, khiến phe Cộng hòa đối mặt nguy cơ đánh mất quyền kiểm soát quốc hội trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ 2026.
Cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Donald Trump và Elon Musk – người từng là đồng minh của ông – đang bước vào giai đoạn căng thẳng mới sau khi vị tỷ phú giàu nhất thế giới tuyên bố thành lập “Đảng Nước Mỹ” vào ngày 5/7. Động thái này được xem là thách thức trực diện không chỉ với đảng Dân chủ mà cả đảng Cộng hòa – nơi ông Trump đang giữ vai trò lãnh đạo tuyệt đối.
Nhiều nhà phân tích cho rằng Tổng thống Trump vẫn đang nắm ưu thế rõ rệt. Tuy nhiên, việc Musk – người từng rót tiền cho chiến dịch tranh cử của ông – nay quay sang dựng đảng riêng khiến không ít thành viên Cộng hòa phải dè chừng.
Ông Trump đã gọi kế hoạch của Musk là “lố bịch”, khẳng định các đảng thứ 3 chưa bao giờ thành công trong lịch sử bầu cử Mỹ. Song ông cũng không giấu lo ngại khi cảnh báo đây có thể là công thức dẫn đến “sự phá hoại và hỗn loạn tột độ”.

Hai mũi tên tấn công nhằm vào Cộng hòa
Từ khi công khai đối đầu ông Trump, Musk đã tung ra hai bước đi khiến đảng Cộng hòa phải cảnh giác. Đầu tiên, ông cam kết tài trợ cho nghị sĩ đảng Cộng hòa Thomas Massie – người phản đối “Đạo luật to đẹp” (OBBBA) và tuyên bố sẽ hậu thuẫn các ứng viên cạnh tranh với những nghị sĩ Cộng hòa từng ủng hộ dự luật.
Tiếp đó, ông công bố thành lập đảng Nước Mỹ với thông điệp chỉ trích cả 2 đảng truyền thống vì để thâm hụt ngân sách leo thang.
Dù vậy, theo chuyên gia Lee Drutman từ Vox, những đòn công kích ban đầu của Musk khó làm lung lay vị thế của ông Trump trong nội bộ Cộng hòa, nhất là khi cử tri trung thành thuộc phong trào MAGA vẫn đặt niềm tin gần như tuyệt đối vào ông.
Trong các vòng sơ bộ, giới phân tích cho rằng Musk có thể “chơi lớn” bằng cách chi tiền khủng nhưng khó xoay chuyển lòng trung thành chính trị đã được định hình rõ nét.
Một ẩn số lớn tại cuộc bầu cử giữa kỳ 2026
Điều khiến giới quan sát lo ngại không nằm ở vòng sơ bộ mà ở viễn cảnh Đảng Nước Mỹ gây xáo trộn cục diện trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào tháng 11/2026. Tỷ lệ cử tri mất niềm tin vào cả Dân chủ lẫn Cộng hòa đang tăng nhanh khi năm 1994 chỉ là 6%, nhưng đến năm 2013 đã vọt lên 28%.
Một khảo sát trên NBC News hồi tháng 4 cho thấy 38% người Mỹ trưởng thành cảm thấy “không đảng nào thực sự đại diện cho họ” và 77% đồng ý rằng nước Mỹ chỉ thay đổi khi xuất hiện một thế hệ lãnh đạo mới.
Chính làn sóng cử tri “vỡ mộng” này - theo giới quan sát - có thể là điểm tựa cho tham vọng chính trị của Musk.
“Ông ấy sẽ cho những cử tri vỡ mộng cơ hội để thách thức hệ thống, tuyên bố hãy bỏ phiếu cho chúng tôi và các bạn có thể khiến toàn bộ giới chức Washington hoảng loạn”, Drutman bình luận. Tại những bang chiến trường, nơi khoảng cách giữa 2 đảng chỉ là vài điểm phần trăm, nếu đảng của Musk hút bớt cử tri từ một phía, đối thủ còn lại sẽ hưởng lợi và giành ưu thế lưỡng viện Quốc hội.
Drutman cảnh báo: “Tất cả những gì ông ấy cần làm là hỗ trợ một vài ứng viên ‘phá đám’ của đảng thứ 3 ở những khu vực then chốt. Bằng cách đó, Musk có thể lợi dụng điểm yếu vốn có về tính cạnh tranh sít sao của các cuộc bầu cử”.

Ai sẽ thiệt hại nhiều nhất?
Nhiều chiến lược gia lưu ý đảng Cộng hòa sẽ là bên hứng chịu hậu quả nặng nề hơn nếu cử tri ủng hộ Musk – phần lớn từng đứng về phía ông Trump – chuyển hướng. “Các đảng thứ 3 thường không tồn tại lâu trong chính trường Mỹ. Nhưng đảng Nước Mỹ có thể là nguyên nhân khiến phe Cộng hòa mất Hạ viện vào tay Dân chủ, ít nhất là trong ngắn hạn”, chuyên gia chính trị Mỹ Dafydd Townley nhận xét.
Một số đồng minh của ông Trump, như Laura Loomer – nhân vật có ảnh hưởng trong phong trào MAGA – còn dự báo những cái tên như Tucker Carlson, Thomas Massie hay Marjorie Taylor Greene có thể rời Cộng hòa để gia nhập đảng của Musk, biến đây thành một cuộc ly khai chính trị thực sự.
Những nhân vật này từng công khai chỉ trích chính sách của Mỹ tại Trung Đông, cho thấy họ không còn toàn tâm toàn ý với đường lối của vị Tổng thống.
Trong khi đó, một số người từng đối đầu ông Trump lại tỏ ra hào hứng với sáng kiến của Musk. Anthony Scaramucci, cựu Giám đốc truyền thông Nhà Trắng, cho biết ông muốn gặp Musk để bàn về chiến lược phát triển đảng mới. Nhiều nhà đầu tư công nghệ cũng bày tỏ sẵn sàng tài trợ.

Thách thức vẫn còn rất lớn
Dù vậy, để một đảng thứ 3 thực sự trở thành thế lực chính trị ở Mỹ được đánh giá là điều cực kỳ khó khăn. Hệ thống bầu cử tại Mỹ vốn được thiết kế để duy trì thế lưỡng đảng, và lịch sử cho thấy các ứng viên Tổng thống ngoài Dân chủ và Cộng hòa gần như không thể tiến xa.
Giáo sư khoa học chính trị Bernard Tamas từ Đại học Bang Valdosta cho hay: “Dù giàu có đến đâu, Musk sẽ phải vượt qua nhiều trở ngại để thành công với đảng mới. Nó không giống như điều hành doanh nghiệp, mà giống phong trào xã hội. Nó phải được xây dựng từ cơ sở, nơi mọi người được thúc đẩy và tiếp thêm năng lượng để chiến đấu”.
Dù vị tỷ phú có thể kích hoạt phong trào ở vài bang chiến địa, để vận hành một cỗ máy chính trị toàn diện như hai đảng truyền thống là bài toán hoàn toàn khác, đòi hỏi có tổ chức lớn hơn nhiều siêu ủy ban hành động chính trị hiện tại của Musk.
Tamas nói: "Ngay cả khi có thể đầu tư nhiều tiền, ông ấy cũng khó có thể xây dựng được hệ thống như hai đảng chính. Câu hỏi đặt ra là liệu Musk có thể làm được hay không khi chỉ có tiền thôi là không đủ".
Theo Vox, NBC News, Newsweek
>> Cổ phiếu Tesla giảm 8% sau khi Elon Musk tuyên bố thành lập Đảng nước Mỹ