Bà từng kể có thời điểm thu nhập từ phòng trà, thu âm, chạy show mỗi tháng lên đến 200 cây vàng, giúp bà nuôi cả gia đình, phụ giúp người thân trong dòng họ.
Từ lát lót đến danh ca nổi tiếng
Danh ca Phương Dung sinh năm 1946 tại Gò Công (Tiền Giang). Từ nhỏ, bà đã đam mê ca hát, thích tập hát theo những ca khúc phát trên radio. Thời đi học, bà cũng tham gia nhiều chương trình văn nghệ và nhận được sự chú ý của nhiều người.
Năm 13 tuổi, khi đang học lớp Đệ Thất, bà chính thức bước chân vào con đường ca hát chuyên nghiệp. Bà khăn gói từ Gò Công lên Sài Gòn (TPHCM bây giờ) tham gia cuộc thi tuyển chọn ca sĩ của Đài phát thanh Sài Gòn. Dù không đoạt giải cao nhưng sau đó bà may mắn được giới thiệu đi hát tại một số tụ điểm ca nhạc.
Từ một ca sĩ hát lót, Phương Dung dần nhận được yêu mến khi thể hiện những ca khúc nổi tiếng. Tuy nhiên, phải đến khi hát các ca khúc bolero như "Nỗi buồn gác trọ", "Những đồi hoa sim", "Tạ từ trong đêm"... bà mới thật sự nổi tiếng. Sở hữu giọng hát trong trẻo, ngọt ngào, bà mệnh danh là "nhạn trắng Gò Công".
Trong chương trình "Ký ức ngọt ngào", bà kể rằng biệt danh "Nhạn trắng Gò Công" xuất hiện từ năm 1961, khi nhạc sĩ Mạnh Phát giao cho bà hát bài "Nỗi buồn gác trọ". Năm đó, Phương Dung mới 15 tuổi, không biết ăn diện, nhà chỉ có mỗi tà áo dài nên quyết định diện áo dài đi hát. Thi sĩ Hà Huy Hà phát hiện Phương Dung là giọng ca trẻ, hay mặc áo dài lại được nhiều người yêu mến nên ông đặt biệt danh Nhạn Trắng Gò Công".
Dù được biết đến nhiều nhờ "Nỗi buồn gác trọ" nhưng Phương Dung khẳng định ca khúc "Đường về khuya" mới là cột mốc đánh dấu sự nghiệp của bà. Bà từng kể có thời điểm thu nhập từ phòng trà, thu âm, chạy show mỗi tháng lên đến 200 cây vàng, giúp bà nuôi cả gia đình, phụ giúp người thân trong dòng họ.
Mối tình đầy trắc trở
Phương Dung quen ông xã trong một dịp tại Bangkok, Thái Lan năm 1966 và trúng tiếng sét ái tình. Tuy nhiên, thời điểm đó mẹ bà không thích người này vì cho bà là "vô phép". Phương Dung cho biết ông xã bà là người giỏi chịu đựng, thậm chí bị chửi giữa đường nhưng ông chỉ cúi đầu làm thinh, không trả lời một câu.
Vì sự ngăn cấm của gia đình mà Phương Dung và người thương không được gặp gỡ dù ở chung một thành phố. 2 năm đằng đẵng với Phương Dung đều là những ngày nhớ nhung khôn nguôi. Bà từng vào tu viện ở Quy Nhơn xin đi tu nhưng bị từ chối. Sau lần đó, thấu hiểu tâm tư của con gái, bố của bà kiên quyết ủng hộ, tuyên bố nếu vợ không đồng ý sẽ đứng ra gả chồng cho con gái.
Sau khi kết hôn, bà bỏ lại tất cả dù sự nghiệp đang ở đỉnh cao để chọn làm mẹ của 8 đứa con, làm vợ. Rời xa sân khấu 16 năm, bà đã làm tròn bổn phận nhưng vẫn luôn đau đáu đam mê ca hát.
Chính vì thế, hiện nay, dù đã gần 80 tuổi bà vẫn miệt mài đi hát. 8 người con của bà đều không đồng tình và muốn mẹ dành thời gian nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nữ ca sĩ tâm sự rằng việc đi hát là ước mơ và niềm vui của cả cuộc đời bà. Vì vậy, bà sẽ cố gắng cống hiến và phục vụ khán giả đến khi còn có thể.
Còn ông xã của Phương Dung, cả hai có 55 năm gắn bó và hạnh phúc. Đến nay, ông mất đã hơn 3 năm nhưng bà vẫn luôn nhớ về người thương.