Danh tính công ty cung cấp giá đỗ ngâm hóa chất cho Bách Hóa Xanh: Thành lập chưa đầy 1 năm, vốn điều lệ 200 triệu
Doanh nghiệp này ký hợp đồng cung cấp từ 350-400kg giá đỗ/ngày cho hệ thống Bách Hóa Xanh.
Ngày 26/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk kiểm tra 6 cơ sở sản xuất giá đỗ tại TP Buôn Ma Thuột, phát hiện hơn 20 tấn giá đỗ ngâm chất cấm 6-Benzylaminopurine. Theo cơ quan chức năng, các cơ sở này đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ chứa chất cấm trong năm 2024, với sản lượng trung bình 8-10 tấn mỗi ngày. Đáng chú ý, một cơ sở khai nhận ký hợp đồng cung cấp từ 350-400kg giá đỗ/ngày cho hệ thống Bách Hóa Xanh.
Ngay sau khi thông tin được công bố, Bách Hóa Xanh xác nhận Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo – một trong các cơ sở bị phát hiện – là đối tác cung cấp giá đỗ cho chuỗi siêu thị tại khu vực TP Buôn Ma Thuột. Đại diện Bách Hóa Xanh khẳng định nguồn hàng từ nhà cung cấp này chỉ chiếm khoảng 2% tổng lượng giá đỗ của toàn hệ thống. Phía doanh nghiệp cho biết đã ngay lập tức thu hồi và ngừng bán toàn bộ sản phẩm từ Công ty Lâm Đạo, đồng thời tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả các sản phẩm giá đỗ đang được bày bán trong hệ thống.
Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo được thành lập vào ngày 11/1/2024, có trụ sở chính tại xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, với vốn điều lệ 200 triệu đồng. Doanh nghiệp này do ông Lâm Văn Đạo, sinh năm 1990, làm Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất giá đỗ, với sản phẩm mang nhãn hiệu "Giá đậu xanh Lâm Đạo". Trên bao bì, công ty quảng bá sản phẩm của mình với các cam kết như “vì sức khỏe của mọi người”, “không hóa chất, không chất kích thích, không chất bảo quản”.
Giá đỗ Lâm Đạo bán trong Bách Hóa Xanh và ngành nghề đăng ký kinh doanh của Lâm Đạo theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp |
Tuy nhiên, thực tế cho thấy sản phẩm của Công ty Lâm Đạo lại chứa chất cấm 6-Benzylaminopurine, một hoạt chất không được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm hoặc thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam. Sự việc này đã làm dấy lên lo ngại về mức độ minh bạch và an toàn trong chuỗi cung ứng thực phẩm.
Bách hóa XANH là chuỗi cửa hàng chuyên bán lẻ thực phẩm tươi sống (thịt cá, rau củ, trái cây...) và nhu yếu phẩm chất lượng nguồn gốc rõ ràng. Thương hiệu này được thành lập từ cuối năm 2015 và là công ty con của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG). Tính đến cuối tháng 9/2024, Bách Hóa Xanh đang có 1.726 điểm bán, trở thành nhà bán lẻ tạp hoá lớn thứ 2 tại Việt Nam.
Trong Báo cáo phát triển bền vững, Tập đoàn Thế Giới Di Động – đơn vị chủ quản của Bách Hóa Xanh – từng khẳng định chất lượng là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Theo đó, công ty cam kết “không đưa vào tay khách hàng bất kỳ sản phẩm nào mà nhân viên không sẵn lòng sử dụng cho chính mình”. Đại diện Bách Hóa Xanh cũng nhấn mạnh việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng.
Bách Hóa Xanh hiện áp dụng quy trình kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt đối với toàn bộ sản phẩm trước khi đưa vào hệ thống. Hàng hóa được kiểm tra hồ sơ chất lượng, mẫu mã và tem nhãn theo các quy định hiện hành ngay từ khâu đầu vào. Các sản phẩm thực phẩm sau đó tiếp tục được rà soát định kỳ để đảm bảo tuân thủ quy định chất lượng của cơ quan chức năng. Tại các kho hàng, bộ phận kiểm soát chất lượng (QC) tiến hành xét nghiệm nhanh nhằm phát hiện dư lượng hóa chất như thuốc bảo vệ thực vật, hàn the, formol, kháng sinh... Đồng thời, các mẫu sản phẩm cũng được gửi kiểm nghiệm định kỳ tại các trung tâm đạt chuẩn ISO 17025 để đảm bảo tính khách quan và chính xác trong đánh giá.
Mặc dù đã xây dựng quy trình kiểm tra nghiêm ngặt, sự cố lần này vẫn cho thấy tồn tại lỗ hổng trong hệ thống giám sát chất lượng, đặc biệt với các nhà cung cấp nhỏ lẻ.
Vụ việc không chỉ gây tổn hại đến uy tín của Bách Hóa Xanh mà còn đặt ra câu hỏi lớn về sự an toàn thực phẩm trên toàn quốc. Để lấy lại niềm tin từ khách hàng, doanh nghiệp cần siết chặt hơn nữa quy trình kiểm soát chất lượng và xử lý nghiêm các sai phạm từ phía nhà cung cấp.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của ngành bán lẻ, một sự cố liên quan đến chất lượng sản phẩm không chỉ làm tổn thất doanh thu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh thương hiệu. Đây là bài học sâu sắc cho các doanh nghiệp trong việc duy trì và nâng cao các tiêu chuẩn chất lượng trong chuỗi cung ứng.
Bách Hoá Xanh thu hồi loại giá đỗ ngâm chất độc 'gây dị tật bẩm sinh' ở Đắk Lắk
Từ vụ 2.900 tấn giá đỗ ngâm chất cấm tuồn ra thị trường: Mẹo nhận diện giá sạch cho bữa ăn an toàn