Gần 3.000 tấn giá đỗ ngâm chất cấm đã tuồn ra thị trường, tiêu thụ lượng lớn có thể gây ngộ độc dẫn đến tử vong
Vụ việc là hồi chuông cảnh báo về tình trạng sử dụng chất cấm trong sản xuất thực phẩm.
Khoảng 3.000 tấn giá đỗ ngâm chất cấm tại 6 cơ sở sản xuất đã được đưa ra thị trường trong năm 2024, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe người tiêu dùng. Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện và khởi tố 4 vụ án liên quan đến hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất giá đỗ.
Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk vừa ra quyết định khởi tố 4 vụ án và bắt tạm giam 4 bị can gồm Lâm Văn Đạo (SN 1990, trú xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột); Vũ Duy Tư (SN 1991); Nguyễn Văn Quynh (SN 1973) và Nguyễn Văn Hảo (SN 1988), cùng trú tại phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột.
4 đối tượng sản xuất giá đỗ ủ chất cấm bị khởi tố |
Qua kiểm tra đồng loạt 6 cơ sở sản xuất giá đỗ do các đối tượng trên quản lý, lực lượng chức năng phát hiện việc sử dụng hoạt chất 6-Benzylaminopurine – một chất cấm trong ngành thực phẩm. Chất này thường được gọi là "kẹo" và được sử dụng để làm giá đỗ có thân mập, rễ ngắn, tăng trọng lượng và hình thức đẹp.
Tại hiện trường, cơ quan công an đã thu giữ hơn 20 tấn giá đỗ chứa chất cấm, gồm gần 8 tấn thành phẩm và hơn 12 tấn đang trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, còn có 135 lít dung dịch chứa hoạt chất 6-Benzylaminopurine, đủ để sản xuất thêm khoảng 675 tấn giá đỗ thành phẩm.
Giá đỗ đã bị ngâm chất cấm |
>> EU ra phán quyết mới, sầu riêng Việt liệu có bị loại khỏi cuộc chơi?
Các đối tượng đã bán khoảng 2.900 tấn giá đỗ ngâm chất cấm ra thị trường trong năm 2024, trung bình từ 8-10 tấn mỗi ngày. Sản phẩm này được phân phối chủ yếu tại các đại lý ở chợ đầu mối Tân Hòa (TP Buôn Ma Thuột) và sau đó vận chuyển về các huyện, thị xã và thành phố khác.
Đáng chú ý, một cơ sở còn ký hợp đồng cung cấp từ 350-400kg giá đỗ mỗi ngày cho một siêu thị, khiến nguy cơ lây lan sản phẩm độc hại càng cao. Trên bao bì, các sản phẩm giá đỗ này được dán nhãn lừa dối như "không hóa chất", "không chất kích thích", "vì sức khỏe của mọi người".
Hoạt chất 6-Benzylaminopurine bị cấm sử dụng trong thực phẩm vì có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Chất này có thể tích tụ trong cơ thể, gây tổn thương các cơ quan nội tạng. Nếu tiêu thụ lượng lớn, nguy cơ ngộ độc cấp tính hoặc tử vong là rất cao. Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng người tiêu dùng cần thận trọng khi lựa chọn thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm giá đỗ không rõ nguồn gốc, và nên ưu tiên mua từ các nhà cung cấp uy tín, có chứng nhận an toàn thực phẩm.
Giá đỗ thành phẩm đã được ngâm chất cấm |
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đang mở rộng điều tra để xử lý toàn diện vụ án, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất giá đỗ nhằm ngăn chặn những hành vi tương tự.
Vụ việc là hồi chuông cảnh báo về tình trạng sử dụng chất cấm trong sản xuất thực phẩm. Việc này không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng mà còn làm mất niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường thực phẩm sạch. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần nâng cao hiệu quả quản lý và giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời tăng cường truyền thông để nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
>> Nhiều cơ sở sản xuất giấy tại Bắc Ninh ‘câu điện, vụng trộm’ giữa đêm
Nhiều cơ sở sản xuất giấy tại Bắc Ninh ‘câu điện, vụng trộm’ giữa đêm
Vừa lập ‘cú đúp’ kỷ lục lịch sử, gạo Việt lại có diễn biến bất ngờ