Xu hướng "bỏ phố về rừng" khiến có một số thời điểm, đất rừng đắt như “tôm tươi”, nhiều cuộc mua bán đất diễn ra chóng vánh, gây náo loạn thị trường. Đặc biệt, cách đây mấy năm, nhiều khách hàng săn lùng đất rừng khu vực Đồng Đò, Sóc Sơn, Ba Vì, Hoà Bình… làm homestay, khu sinh thái, nghỉ dưỡng.
Trong vai khách hàng, phóng viên gọi điện thoại tới anh Trần Xuân Lộc, một môi giới bất động sản tại Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) nhờ tìm mảnh đất rừng vừa để làm homestay, vừa là nơi cuối tuần gia đình nghỉ dưỡng.
Theo anh Lộc, đất rừng sản xuất tại khu Đồng Đò đang được nhiều người dân rao bán với giá hơn 3 triệu đồng/m2, tính ra 2ha có giá trị gần 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đất khu vực này không được làm nhà kiến cố mà chỉ có thể làm nhà lắp ghép hoặc nhà tạm.
Tại khu vực Xuân Mai (Hà Nội), anh Lộc giới thiệu có mảnh đất ven rừng khoảng hơn 3.000m2, trong đó có gần 400m2 đất ở đang được chủ đất chào bán với giá hơn 9 tỷ đồng. Theo anh Lộc, đây là mảnh đất có vị trí khá đẹp, chủ cũ chuyển công tác vào miền Nam nên muốn bán lại.
Khi hỏi tới đất Ba Vì, anh Lộc cho biết, hiện các mảnh đất rừng đẹp hầu như đã có chủ, mà trong tay anh lại không có sẵn "hàng". Nếu chấp nhận mua giá cao thì anh có thể tìm cho, nhưng cũng phải chấp nhận diện tích đất được phép xây dựng hầu như không lớn, nên việc làm homestay cho thuê hơi bí bách, chỉ làm nghỉ dưỡng sinh thái thì có thể chấp nhận được.
Sở dĩ giá cao, theo môi giới này, là do Ba Vì đã trải qua 2 cơn sốt đất, đặc biệt là cơn sốt đầu năm 2021, nhiều mảnh đất đắt gấp 3-4 lần năm 2020, khiến giá chưa thể về mức cũ.
Chị Ngô Uyển Nhi (Thanh Xuân, Hà Nội), một nhà đầu tư bất động sản cho hay, tham gia đầu tư đất được gần chục năm, điều khiến chị “nản” nhất là bị kẹt hàng.
Theo đó, hiện chị Nhi vẫn còn kẹt mảnh đất rừng 3.000m2 không sổ đỏ tại Sóc Sơn đã mua với giá 2 triệu đồng/m2. Đây là loại đất được người dân rao bán công khai, bởi nhà đầu tư mua nhưng vẫn có trách nhiệm trông coi rừng, không được xây dựng công trình lớn, kiên cố. Đặc biệt, rất nhiều người làm homestay và không bị phạt. Tuy nhiên, lúc bắt tay vào "việc thật, người thật" mới biết để xây dựng được một căn nhà 90-100m2 trên đất rừng là khó và rất tốn kém, chị Nhi muốn bán từ hồi tháng 5 nhưng không ai hỏi.
Với câu hỏi: mua đất rừng có khó bán không? Anh Trần Xuân Lộc thật thà trả lời: muốn mua thì dễ, nhưng muốn bán thì khó. Nguyên nhân là bởi, nhiều mô hình nghỉ dưỡng không hiệu quả, nhiều mảnh đất có pháp lý không rõ ràng, cộng thêm tư tưởng “cả thèm chóng chán” nên khá nhiều người “bỏ mặc” đất hoang hóa.