Đầu tư tài sản Koji (KPF) thay máu cổ đông lớn
Cổ đông lớn thoái sạch vốn khỏi KPF trong bối cảnh thị giá cổ phiếu này đã giảm 45% từ so với đầu năm nay.
CTCP Đầu tư tài sản Koji (mã CK: KPF) thông báo giao dịch, một cá nhân có tên Nguyễn Như Khánh đã trở thành cổ đông lớn của công ty sau khi được sang tay 6,1 triệu cổ phiếu.
Đáng chú ý, cùng ngày ông Tạ Sơn Tùng cũng đã mua thành công hơn 6 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ sở hữu 9,93% và cũng chính thức trở thành cổ đông lớn của KPF.
Trước ngày giao dịch ngày 08/09/2023, cả ông Nguyễn Như Khánh và ông Tạ Sơn Tùng đều không sở hữu cổ phiếu KPF nào.
Theo dữ liệu, tại ngày 8/9/2023, có 2 giao dịch thỏa thuận được thực hiện với 12,1 triệu cp, tổng giá trị giao dịch gần 88 tỷ đồng, tương ứng trung bình 7.250 đồng/cp.
Trong đó, bà Lê Thị Như Thanh – cổ đông lớn đã thoái sạch gần 6,1 triệu cp đang nắm giữ. Số lượng này đúng bằng số cổ phiếu cổ đông Khánh nhận chuyển nhượng.
Cùng với đó, trong hai ngày 07 - 08/09, ông Nguyễn Quang Huy - Thành viên HĐQT KPF cũng bán hết hơn 6 triệu cp, qua đó không còn là cổ đông của Công ty.
Diễn biến giao dịch cổ phiếu KPF từ ngày 7 - 8/9/2023 |
Động thái sang tay của các cổ đông lớn diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu KPF giảm sâu từ đầu 2023. Kết phiên 13/09, cổ phiếu này dừng ở mức 6.700 đồng/cp, giảm gần 45%.
Diễn biến giá cổ phiếu KPF trong 1 năm qua |
Về tình hình kinh doanh của KPF, kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, KPF thu về lãi ròng gần 19 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch đạt gần 64 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, công ty mới chỉ thực hiện được 29% mục tiêu sau nửa năm.
Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của Koji tăng 10% lên 890 tỷ đồng. Phần lớn là các khoản phải thu ngắn hạn 404 tỷ đồng (chiếm 45% tổng tài sản) và đầu tư tài chính dài hạn 483 tỷ đồng (chiếm 54% tổng tài sản).
Biến động lợi nhuận của KPF tăng trưởng mạnh trong 2 năm 2021 và 2022 |