Nhiều cổ phiếu từng bị thao túng tăng trần liên tục dù kinh doanh bết bát, liệu có 'ngựa quen đường cũ'?
Trái ngược với sự "ảm đạm" của thị trường chung, nhiều cổ phiếu từng bị thao túng giao dịch "sôi động", tăng trần liên tục dù lỗ đậm.
Sau khi chạm mốc 1.290 điểm vào cuối tháng 8, VN-Index bước vào nhịp điều chỉnh. Trong phiên giao dịch sáng 11/9, chỉ số có thời điểm giảm gần 10 điểm, xuống quanh mức 1.245 điểm (mất 45 điểm so với đỉnh). Thanh khoản "ảm đạm", thường thấp hơn mức trung bình 20 phiên.
Đáng chú ý, nhiều cổ phiếu có lịch sử bị thao túng lại ngược dòng thị trường chung, tăng mạnh dù kết quả kinh doanh bết bát.
"Trắng" doanh thu, CTP vẫn tăng 780%
Diễn biến cổ phiếu CTP |
Từ đầu năm 2024 đến nay, cổ phiếu CTP của CTCP Minh Khang Capital Trading Public đã tăng từ vùng 4.500 đồng/cp lên 39.600 đồng/cp (+780%). Thanh khoản trung bình 20 phiên gần nhất đạt gần 200.000 đơn vị/phiên.
Điều này trái ngược với kết quả kinh doanh. Trong quý II/2024, công ty không ghi nhận doanh thu và lỗ sau thuế 196 triệu đồng, chủ yếu do chi phí quản lý doanh nghiệp. Lũy kế 6 tháng đầu năm, CTP đạt tổng doanh thu 709 triệu đồng và lỗ sau thuế 178 triệu đồng.
Ngoài ra, vào tháng 6, toàn bộ Hội đồng Quản trị của công ty, bao gồm Chủ tịch Nguyễn Tuấn Thành, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Lê Minh Tuấn cùng các thành viên khác và Ban Kiểm soát đã đồng loạt nộp đơn từ nhiệm.
Cổ phiếu này có lịch sử bị thao túng. Vào tháng 12/2020, UBCKNN đã xử phạt ông Lê Văn Hoan (Hà Nội) vì sử dụng 29 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo nhằm thao túng và thu lợi bất chính.
KPF của "chuyên gia làm đẹp" BCTC tăng trần liên tục
KPF sắp tăng trần phiên thứ 4 liên tục |
KPF của CTCP Đầu tư tài sản Koji tăng 6,46% trong phiên sáng 11/9, lên 2.800 đồng/cp, chuẩn bị đánh dấu phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp. Doanh nghiệp này "trắng" doanh thu trong 5 quý gần nhất. Riêng quý II/2024, công ty ghi nhận khoản lỗ 282 tỷ đồng, dù trước đó thường báo lãi từ lợi nhuận hoạt động tài chính.
Sự việc bị phanh phui khi cựu Chủ tịch HĐQT - Nguyễn Khánh Toàn cùng đồng bọn bị khởi tố và bắt tạm giam vào ngày 2/5 vì hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán".
Theo điều tra ban đầu, Toàn cầm đầu một nhóm chuyên tìm mua và chuyển nhượng các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng có kết quả kinh doanh yếu kém, cổ phiếu có thị giá thấp (thường gọi là "xác doanh nghiệp" trên sàn). Sau đó, các đối tượng "làm đẹp" báo cáo tài chính, đẩy giá cổ phiếu để bán ra thu lợi bất chính.
Sau vụ việc Nguyễn Khánh Toàn, Koji "bốc hơi" 1/3 tài sản chỉ trong quý II/2024. Báo cáo tài chính của công ty cũng bị kiểm toán chỉ ra nhiều điểm bất thường.
Lỗ đến âm vốn chủ sở hữu, cổ phiếu AGM vẫn đắt hàng
Diễn biến cổ phiếu AGM |
Cổ phiếu AGM của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang duy trì mức trần cứng suốt phiên giao dịch, với lượng dư mua giá trần hơn 200.000 đơn vị. Sau 2 phiên, AGM tăng khoảng 14%.
Tương tự KPF, kể từ khi lãnh đạo công ty Đỗ Thành Nhân (thuộc nhóm Louis) bị khởi tố và bắt tạm giam vào năm 2022, AGM bất ngờ lỗ nặng, dù trước đó liên tục báo lãi. Cụ thể: năm 2022, lỗ ròng 233 tỷ đồng; năm 2023, lỗ ròng 221 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2024, lỗ ròng 98 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đã giảm mạnh, từ 483 tỷ đồng vào cuối năm 2021 xuống âm 82 tỷ đồng vào ngày 30/6/2024.