Doanh nghiệp sàn HoSE bị hai cá nhân chiếm dụng gần 100 tỷ, tiền mặt còn 100 triệu đồng
Khép lại năm 2024, CTCP Đầu tư tài sản Koji (Mã KPF - HoSE) ghi nhận kết quả kinh doanh thất vọng, trong đó có khoản lỗ kỷ lục.
Koji tiếp tục không có doanh thu, lỗ kỷ lục trong năm 2024
Bước sang năm 2024, Koji không ghi nhận doanh thu trong cả bốn quý liên tiếp, kéo dài chuỗi trắng doanh thu lên bảy quý. Áp lực chi phí hoạt động khiến doanh nghiệp lỗ 277 tỷ đồng, con số này thậm chí còn cao hơn tổng lợi nhuận của 12 năm trước đó (267 tỷ đồng).
Nguồn thu duy nhất trong năm qua đến từ hoạt động tài chính, mang về 18,6 tỷ đồng, nhưng vẫn giảm gần 28 tỷ so với năm trước. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp hơn bảy lần cùng kỳ, lên 292,7 tỷ đồng, trở thành nguyên nhân chính dẫn đến khoản lỗ kỷ lục.
Hệ quả, công ty chuyển từ lãi sang lỗ lũy kế gần 135 tỷ đồng. Quy mô tài sản giảm mạnh 34% so với đầu năm, xuống còn hơn 532 tỷ đồng. Đáng chú ý, tài sản ngắn hạn sụt giảm từ 322 tỷ hồi đầu năm xuống còn 50,2 tỷ đồng vào cuối 2024, trong đó lượng tiền mặt vỏn vẹn 104 triệu đồng.
Đáng chú ý, Koji đã tăng gần 10 lần giá trị khoản trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi, lên 324 tỷ đồng. Danh sách trích lập ghi nhận hai cá nhân đáng chú ý gồm: Ông Nguyễn Khánh Toàn nợ hơn 71 tỷ đồng (trùng tên với cựu Chủ tịch KPF, người bị khởi tố vì thao túng chứng khoán); bà Nguyễn Thị Thủy nợ gần 24 tỷ đồng.
![]() |
Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2024 của Koji |
Ở chiều ngược lại, áp lực chi phí tài chính của Koji ở mức thấp khi tổng nợ phải trả chỉ 16,5 tỷ đồng.
Koji được thành lập vào giữa năm 2009, hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn dự án. Các hợp đồng tư vấn chủ yếu đến từ mối quan hệ giữa ban lãnh đạo và các đối tác lâu năm. Công ty có trụ sở tại phường Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM.
Ngày 2/3/2016, công ty đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt (hiện vốn điều lệ của KPF là gần 609 tỷ đồng - tương ứng gần 60,9 triệu cổ phiếu đang lưu hành).
Mục tiêu của doanh nghiệp là tạo dựng công trình bất động sản có giá trị nghỉ dưỡng đích thực kèm dịch vụ đẳng cấp giúp khách hàng có những trải nghiệm đáng nhớ nhất qua đó thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển. Koji cũng đặt mục tiêu kinh doanh có lãi, tối đa hóa lợi nhuận; bảo toàn và phát triển vốn đầu tư của chủ sở hữu và cổ đông...
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu KPF giảm mạnh 62% so với đầu năm 2024, hiện chỉ còn 1.760 đồng/cổ phiếu và đang trong diện cảnh báo trên sàn HoSE.
![]() |
Nguồn: Koji |
>> Giải trình phương án khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo
Kết quả kinh doanh quý IV/2024 của 1.000 doanh nghiệp: Một nhóm lớn gây thất vọng
Đột biến kết quả kinh doanh 2024 nhóm Vingroup: VIC, VHM, VRE, VEF