ĐBQH Trần Thị Thu Hằng: 'Nhiều phụ huynh cứ nghĩ trường bán BHYT là có lời, có hoa hồng'
Đại biểu cho biết, một số giáo viên phải năn nỉ phụ huynh mua BHYT cho con khiến họ mất nhiều thời gian, ảnh hưởng tâm lý.
Chiều 31/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT). Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã bày tỏ quan tâm đến các chính sách BHYT dành cho học sinh.
Trong đó, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) nêu ý kiến, cả Luật BHYT hiện hành và dự thảo sửa đổi đều bao gồm nhiều quy định về BHYT đối với học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số vấn đề đã phát sinh, đáng chú ý là việc trường học hiện được giao trách nhiệm thu tiền BHYT từ phụ huynh học sinh.
Theo đại biểu Hằng, một số giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phản ánh, việc giáo viên được giao nhiệm vụ này thực sự là một áp lực. Ngoài tuyên truyền, họ phải năn nỉ phụ huynh mua BHYT cho con khiến họ mất nhiều thời gian, ảnh hưởng tâm lý.
Chưa kể đến việc không đạt chỉ tiêu còn ảnh hưởng đến đánh giá thi đua của giáo viên, dẫn đến những xung đột không đáng có. Thậm chí, khi phụ huynh chậm trễ trong việc đóng tiền, học sinh có thể bị ảnh hưởng đến quyền lợi BHYT.
“Còn nhiều phụ huynh chưa rõ các quy định về mua BHYT cho học sinh, cứ nghĩ nhà trường bán là có lời, có hoa hồng, từ đó ảnh hưởng nhất định đến việc mua BHYT ở môi trường giáo dục”, đại biểu Hằng nêu.
Để giúp giáo viên tập trung vào công tác giảng dạy, đại biểu Hằng đề xuất bỏ quy định về việc nhà trường thu tiền BHYT từ học sinh, thay vào đó, nên giao cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan bảo hiểm. Nhà trường chỉ nên đảm nhiệm việc cung cấp danh sách học sinh và tuyên truyền về các quyền lợi BHYT.
Bà Hằng cũng nhấn mạnh rằng, dù luật đã quy định chi tiết về BHYT cho học sinh, nhưng việc thực hiện chưa nghiêm túc, do các nguyên nhân chủ quan và khách quan. Do đó, trong lần sửa đổi này, cần tiếp tục rà soát để có những quy định phù hợp và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, cần nghiên cứu phương án để học sinh có thể tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình, vừa được hỗ trợ từ Nhà nước vừa được giảm mức đóng theo thứ tự ưu tiên, qua đó nâng cao mức hỗ trợ từ ngân sách.
Đại biểu Châu Quỳnh Giao (Kiên Giang) cũng đề xuất Nhà nước tăng mức hỗ trợ ngân sách tối thiểu lên 50% cho đối tượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Bà Giao cũng đề nghị bổ sung nhóm hộ vừa thoát nghèo vào danh sách được ngân sách nhà nước hỗ trợ để đảm bảo tính công bằng trong chính sách BHYT.
>> 7 điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi
Viện phí điều trị ung thư đứng đầu danh sách chi trả thuốc BHYT
Hôm nay, Quốc hội thảo luận về loạt chính sách BHYT ảnh hưởng tới hàng triệu người