Để doanh nghiệp Thủ đô mạnh tay đổi mới sáng tạo xanh
Đổi mới sáng tạo xanh (ĐMST) đã được các DN Thủ đô quan tâm, song hoạt động này còn khá hạn chế. Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy DN ĐMST xanh, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền, sự tham gia của cộng đồng và trách nhiệm của các DN.
Đổi mới sáng tạo xanh chưa được quan tâm
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và công nghệ phát triển nhanh chóng, ĐMST xanh đã trở thành điều kiện quan trọng giúp DN, nâng cao năng lực cạnh tranh. ĐMST xanh không chỉ giới hạn ở việc tối ưu hóa quy trình sản xuất mà còn bao gồm sự sáng tạo trong sản phẩm và dịch vụ, nhằm tạo ra giá trị kinh tế đồng thời bảo vệ môi trường. Nhờ ĐMST xanh, DN tăng khả năng tiếp cận thị trường, tăng khả năng sinh lời theo chuỗi giá trị; giúp DN đáp ứng trước các tiêu chuẩn, quy định ngày càng nghiêm ngặt hơn, thu hút đầu tư và tăng năng suất, năng lực công nghệ.
Mặc dù nhận thức được sự cần thiết phải ĐMST, phải chuyển đổi theo hướng xanh để phù hợp với xu hướng phát triển, nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chưa mạnh tay phát triển theo hướng này. Việc thực hiện hoạt động ĐMST xanh trong DNNVV còn khá hạn chế. Mức độ ứng dụng và cập nhật công nghệ trong DN còn khá thấp, các sản phẩm sản xuất ra có giá trị gia tăng thấp.
Nguyên nhân bởi DN chưa thực sự quan tâm đến ĐMST nói chung và thực hiện chuyển đổi theo hướng xanh nói riêng. Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, DN đặt sự ưu tiên lớn nhất là duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Về lý do khách quan, do hệ thống chính sách hiện tại vẫn còn nhiều rào cản. Hiện, nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ĐMST và DN khởi nghiệp vẫn chưa nhất quán và rõ ràng. Định nghĩa “doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo” trong Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật thiếu tiêu chí cụ thể. Hiện nay, chưa có quy định và chính sách dành riêng cho ĐMST xanh, chưa có tiêu chí xác định ĐMST xanh.
Cùng với đó, chính sách hỗ trợ không đồng bộ. Mặc dù đã có quy định về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, nhưng vẫn thiếu sự liên kết giữa các chính sách. Chính sách hỗ trợ hiện chủ yếu hướng vào đào tạo, tập huấn mà chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của DN về hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và kết nối chuỗi cung ứng. Sự chậm trễ trong các hướng dẫn về khoa học và công nghệ cũng khiến DNNVV ngần ngại tham gia vào các hoạt động nghiên cứu.
Trong khi giải pháp chính sách tài chính thúc đẩy DN ĐMST ở địa phương, các chương trình ưu đãi vẫn chủ yếu là cấp kinh phí thông qua thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Tỷ lệ phân bổ ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường ở hầu hết các địa phương khá thấp, trung bình toàn quốc là 0,7% tổng ngân sách. Nguồn lực này thực sự là chưa đủ mạnh để thúc đẩy các DNNVV thực hiện ĐMST xanh, đặc biệt là ở giai đoạn đầu khởi nghiệp.
Thêm vào đó, tín dụng xanh chưa phổ biến. Việc phát triển thị trường tài chính xanh còn nhiều khó khăn, các bên tham gia hạn chế, thiếu vắng nhà đầu tư có tổ chức tham gia thị trường tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu xanh. Nguồn vốn khuyến công Quốc gia thời gian qua thường ưu tiên cho đề án nhóm, đề án điểm và các đề án đầu tư có quy mô tương đối lớn. Trong khi đó, các DN nhỏ và siêu nhỏ khả năng đáp ứng các yêu cầu về vốn đối ứng theo quy định của chương trình khuyến công còn nhiều hạn chế.
Có một thực tế đáng chú ý là còn nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam vẫn chưa hình thành thói quen sử dụng sản phẩm xanh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tiềm năng tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường mà còn đặt ra thách thức lớn cho các DN trong quá trình phát triển bền vững.
Hoàn thiện hành lang pháp lý và hệ thống chính sách hỗ trợ
Để Thủ đô không chỉ là nơi kết nối những giấc mơ, mà còn là nơi khơi nguồn cho những ý tưởng đột phá, nơi mà mọi người có thể cùng nhau xây dựng một thành phố xanh và thông minh, Hà Nội cần vận dụng triệt để các quyền theo Luật Thủ Đô (sửa đổi) và một số Nghị quyết của Đảng, Quốc Hội, Chính Phủ hoàn thiện hành lang pháp lý và hệ thống chính sách hỗ trợ ĐMST xanh.
TP phải xây dựng khung pháp lý rõ ràng, yêu cầu các sản phẩm, dịch vụ và quy trình phải giảm thiểu tác động đến môi trường, nhằm khuyến khích DN áp dụng công nghệ xanh, sử dụng nguyên liệu tái chế và phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhằm khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp môi trường. Cùng với đó, áp dụng các chính sách miễn giảm thuế cho DN và dự án đầu tư vào công nghệ xanh hoặc sản phẩm thân thiện với môi trường. Khuyến khích tiêu dùng sản phẩm xanh…
Mặt khác, thành lập các quỹ đầu tư xanh để hỗ trợ tài chính cho các dự án ĐMST xanh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, quản lý chất thải huy công nghệ sạch. Các tổ chức tín dụng cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp cho các DN đầu tư vào công nghệ xanh hoặc cải thiện quy trình sản xuất theo hướng bền vững. Song song với đó, triển khai các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ sạch, năng lượng tái tạo thông qua các ưu đãi và hỗ trợ DN trong việc tiếp cận thị trường. Đầu tư công vào cơ sở hạ tầng xanh, hạ tầng hệ thống giao thông công cộng xanh, công viên, khu vực bảo tồn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong các ngành công nghiệp xanh.
Ban hành các chính sách để khuyến khích việc phát triển và tiêu thụ các sản phẩm xanh bằng cách thành lập các sàn giao dịch sản phẩm xanh. Tạo ra các nền tảng hoặc sàn giao dịch trực tuyến chuyên về sản phẩm xanh, giúp kết nối giữa nhà sản xuất, nhà cung cấp và người tiêu dùng để thúc đẩy tiêu thụ những hàng hóa bảo vệ môi trường và nguồn lực tái tạo.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của việc sử dụng sản phẩm xanh. Tạo các kênh phân phối tiện lợi cho sản phẩm xanh từ các chợ, siêu thị đến các trang thương mại điện tử nhằm tạo thói quen tiêu dùng có trách nhiệm, tránh lãng phí tài nguyên.
>> Đại học phải là một thực thể quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia