Xã hội

Đề nghị truy tố người xưng ‘Đại tá, Phó Cục trưởng Cục An ninh điều tra’

Linh Chi 22/07/2025 - 22:06

Cơ quan chức năng nhận được thông tin về một người tự xưng là "Đại tá, Phó Cục trưởng Cục ANĐT Bộ Công an" với tên gọi Lê Nhật Phong, có hành vi lừa đảo tại nhiều địa phương ở khu vực phía Nam.

Theo Báo Công an Nhân dân, ngày 21/7, Cục An ninh điều tra (ANĐT) thuộc Bộ Công an thông báo đã hoàn tất kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, đề nghị truy tố Phạm Văn Thảo với hai tội danh "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Cụ thể, cơ quan chức năng nhận được thông tin về một người tự xưng là "Đại tá, Phó Cục trưởng Cục ANĐT Bộ Công an" với tên gọi Lê Nhật Phong, có hành vi lừa đảo tại nhiều địa phương ở khu vực phía Nam. Ngay sau đó, vào ngày 21/2, Cục ANĐT tiếp tục tiếp nhận thông tin từ Công an tỉnh Lâm Đồng liên quan đến đối tượng này. Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Cục ANĐT đã tiến hành điều tra, xác minh.

Qua quá trình xác minh, cơ quan điều tra xác định người tên Lê Nhật Phong thực chất là Phạm Văn Thảo (SN 1991, thường trú tại xã Tây Yên A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, nay thuộc ấp Hai Tốt, xã Tây Yên, tỉnh An Giang). Thảo đang bị truy nã và lẩn trốn tại số 2A, đường Hoàng Văn Thụ, phường 5, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Dựa trên tài liệu thu thập, ngày 25/2, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Thảo về hành vi sử dụng tài liệu giả và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đề nghị truy tố người xưng ‘Đại tá, Phó Cục trưởng Cục An ninh điều tra’ - ảnh 1
Phạm Văn Thảo giả mạo là “Đại tá, Phó Cục trưởng Cục An ninh điều tra, Bộ Công an” cùng các giấy tờ giả. Ảnh: Báo Công an Nhân dân.

Theo điều tra, năm 2015, Thảo bị tuyên phạt tổng cộng 30 tháng tù giam về tội “Trộm cắp tài sản”. Trong thời gian tạm giam chờ thi hành án, Thảo bị bệnh nên được tòa án thay đổi từ tạm giam sang cho gia đình bảo lãnh để chữa trị. Đến khoảng tháng 6/2016, Thảo khỏi bệnh nhưng không thi hành án mà bỏ trốn nên bị phát lệnh truy nã.

Trong thời gian lẩn trốn, Thảo đã lên Facebook đặt mua giấy CMND giả mang tên Lê Nhật Phong. Thảo chụp hình chân dung và gửi cho một tài khoản Facebook chuyên nhận làm giấy tờ giả. Khoảng 5 ngày sau, Thảo nhận được giấy CMND giả qua dịch vụ giao hàng và thanh toán 200.000 đồng.

Ngày 4/7/2016, Thảo sử dụng giấy tờ giả này để mở tài khoản và làm thẻ ATM tại Ngân hàng Sacombank chi nhánh Đất Mũi, tỉnh Cà Mau.

Cuối năm 2016, do CMND giả bị hỏng, Thảo tiếp tục liên hệ qua Facebook để làm lại giấy tờ với thông tin cũ và cũng thanh toán chi phí 200.000 đồng.

Từ tháng 3/2019 đến tháng 2/2020, Thảo thuê nhà sống tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông (nay thuộc tỉnh Lâm Đồng). Tại đây, Thảo sử dụng tên giả Lê Nhật Phong và tự nhận mình là cán bộ công an đang thực hiện công tác, có quan hệ với nhiều cơ quan chức năng. Biết một số người dân có nhu cầu làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) đối với đất khai hoang lâu năm, Thảo nảy sinh ý định lừa đảo.

Thảo nói rằng những ai muốn làm giấy chứng nhận QSDĐ thì nộp 30 triệu đồng để Thảo “liên hệ giúp” làm thủ tục. Để tạo niềm tin, Thảo mua một giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất giả tên Lê Nhật Phong (sinh ngày 15/6/1979, CMND 025700272) trên mạng và đưa cho người dân xem như “bằng chứng” khả năng lo giấy tờ thật.

Do tin tưởng Thảo là công an, nhiều người dân trú tại xã Quảng Sơn đã nộp tổng cộng hơn 272 triệu đồng để nhờ làm giấy chứng nhận QSDĐ.

Sau khi nhận tiền, Thảo bỏ trốn khỏi địa phương. Khi phát hiện bị lừa, các bị hại đã gửi đơn tố giác hành vi lừa đảo đến Công an huyện Đắk Glong. Đáng chú ý, các nạn nhân chỉ biết tên giả và năm sinh giả (Lê Nhật Phong, SN 1979).

Tiếp tục điều tra, cơ quan chức năng xác định vào tháng 9/2023, Thảo tiếp tục lên Facebook đặt mua các loại giấy tờ và vật dụng giả như: căn cước công dân (CCCD), bằng lái xe, giấy chứng minh công an nhân dân, đồng phục công an và quân đội. Tổng cộng, Thảo đã mua 2 CCCD giả, 1 giấy chứng minh CAND giả cùng trang phục công an với giá 2,5 triệu đồng.

Thời gian qua, không ít đối tượng đã giả mạo cán bộ công an, quân đội… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng này thường sử dụng chiêu trò rất tinh vi, nắm bắt được tâm lý của người dân để đưa ra các kịch bản lừa đảo.

Cơ quan ANĐT cảnh báo người dân, các tổ chức, đơn vị cần nâng cao cảnh giác với thủ đoạn giả mạo này. Khi có nghi ngờ, nên liên hệ trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền để xác minh và thực hiện đúng quy định pháp luật, tránh bị các đối tượng lợi dụng, lừa gạt.

Nếu người dân phát hiện hành vi giả danh công an nhằm mục đích vi phạm pháp luật cần nhanh chóng báo cho cơ quan công an gần nhất để kịp thời xử lý.

>>Truy nã một nguyên Chủ tịch HĐQT

Truy tố bác sĩ 51 tuổi bị cáo buộc gạ gẫm bệnh nhân quan hệ tình dục

Đề nghị truy tố 55 người liên quan 2 giám đốc

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/de-nghi-truy-to-nguoi-xung-dai-ta-pho-cuc-truong-cuc-an-ninh-dieu-tra-147344.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đề nghị truy tố người xưng ‘Đại tá, Phó Cục trưởng Cục An ninh điều tra’
    POWERED BY ONECMS & INTECH