Để nghiên cứu khoa học ra đồng ruộng thay vì 'cất vào ngăn kéo'
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất, có một mô hình cởi mở giữa cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp để sớm đưa các công trình nghiên cứu khoa học ra đồng ruộng thay vì “cất vào ngăn kéo”.
Ngày 5/10, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) và Báo Nông nghiệp Việt Nam đồng tổ chức Diễn đàn “Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.
Toàn cảnh diễn đàn. |
Theo ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế - IRRI, những kết quả của công nghệ sinh học đã giúp ngành nông nghiệp có nhiều thành tựu đột phá trong 30 năm qua.
“Điều đáng tiếc là áp dụng công nghệ sinh học (CNSH) ở Việt Nam còn chậm, khoảng cách với thế giới có xu hướng ngày càng tăng và chưa đạt mục tiêu của Đảng, Nhà nước đặt ra. Trong đó, cản trở chính là nhận thức”, ông Phát nói.
Lý giải cho điều này, PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường, Bộ NN-PTNT cho biết, nghiên cứu khoa học công nghệ luôn có độ trễ so với thực tế. Những điều chỉnh hôm nay phải nhiều năm sau mới bắt đầu phát huy tác dụng. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ nay đến 2030, số lượng nhiệm vụ khoa học công nghệ bị giảm so với cách đây 10 năm.
TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế - IRRI chia sẻ tại Diễn đàn. |
Một phần nguyên nhân, theo ông Ninh, là rào cản về các cơ chế, chính sách, điển hình là Nghị định 70. Cụ thể, ông Ninh cho biết, kết quả nghiên cứu thuộc phạm vi đầu tư của ngân sách Nhà nước sẽ được xem là tài sản Nhà nước. Vì vậy, doanh nghiệp thời gian qua kém mặn mà trong việc phối hợp, đầu tư nghiên cứu công nghệ sinh học.
Để công trình nghiên cứu không bị "cất vào ngăn kéo"
Theo TS. Nguyễn Khánh Vân, Giám đốc Phòng Thí nghiệm Trọng điểm công nghệ tế bào động vật (Viện Chăn nuôi), nhiều vướng mắc về chính sách đã khiến các nhà nghiên cứu gặp khó khăn trong việc tiếp cận với doanh nghiệp. Nhiều dự án có giá trị khoa học cao nhưng không thể được áp dụng vào thực tiễn sản xuất.
“Trình một dự án công nghệ theo cơ chế Nhà nước mất nhiều thời gian, có thể khiến nghiên cứu cơ bản của Việt Nam bị teo tóp”, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT bày tỏ. Để khắc phục, ông Long đề xuất, có một mô hình cởi mở giữa cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp để sớm đưa các công trình nghiên cứu khoa học ra đồng ruộng, thay vì “cất vào ngăn kéo”.
PGS.TS Nguyễn Đức Bách, Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam 'hiến kế' cần có thêm đầu tư, không chỉ vào nhân lực mà còn vào cơ sở vật chất. Các chương trình nghiên cứu cần được đầu tư để các sinh viên, nhà khoa học có thể triển khai một cách bài bản từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đến khảo nghiệm có kiểm soát trong nhà màng.
Còn ông Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học đề nghị các bộ, ngành khi giao nhiệm vụ, đặt hàng công trình nghiên cứu khoa học nên thực hiện theo chuỗi. Nghĩa là, đặt hàng nhiều đơn vị, cùng phối hợp giải quyết 1 vấn đề, sao cho đầu ra của đơn vị này là đầu vào của đơn vị kế tiếp.
Dabaco (DBC) 'bắt tay' tập đoàn công nghệ sinh học hàng đầu Cuba, đẩy mạnh mảng vaccine
Sắp khởi công hai dự án 1,3 tỷ USD do ‘ông lớn’ Hàn Quốc đầu tư tại tỉnh nhỏ nhất Đông Nam Bộ