Đề xuất bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba
Cục Dân số đã tiếp nhận ý kiến từ các chuyên gia và giao bộ phận chuyên môn rà soát tổng thể cùng với các báo cáo đánh giá, sau đó đề xuất và báo cáo lên Chính phủ.
Ngày 6/8, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo Góp ý, hoàn thiện chính sách trong luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương do Cục Dân số - Bộ Y tế tổ chức.
Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế và trong nước đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, bài học và thảo luận về việc xây dựng, thực thi các chính sách dân số. Bà Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế, đánh giá công tác dân số của Việt Nam đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Việc gia tăng dân số quá nhanh đã được kiểm soát, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2006. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh, giúp Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007.
Tuy nhiên, hiện nay, dân số đối mặt với nhiều vấn đề đáng quan ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, mức sinh đang giảm xuống thấp, với số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ đạt 1,96. Tỷ lệ tăng dân số chỉ ở mức 0,84% vào năm 2023, và có hiện tượng mất cân bằng giới tính khi tỷ số giới tính khi sinh là 111,8 bé trai/100 bé gái năm 2023.
Theo UNFPA - Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc là cơ quan Liên Hợp Quốc chuyên về sức khỏe tình giáo dục và sức khỏe sinh sản, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Thống kê cho thấy năm 2019, người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số, đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%.
Từ năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Tình trạng này xảy ra vì sự thay đổi nhân khẩu học, giảm mạnh tỷ lệ sinh.
Trước tình hình này, dự thảo Luật Dân số được đưa ra nhằm tạo cơ sở pháp lý thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới. Dự thảo luật đề xuất 6 nhóm chính sách cơ bản: duy trì mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao sức khỏe dân số; lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, dự thảo đề xuất các biện pháp linh hoạt để điều chỉnh mức sinh giữa các khu vực, bao gồm quy định quyền của cặp vợ chồng và cá nhân trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh dựa trên lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, thu nhập và nuôi dạy con của cặp vợ chồng hoặc cá nhân.
Một trong những đề xuất nổi bật là việc bỏ quy định kỷ luật đối với người sinh con thứ ba, đặc biệt là với công chức và đảng viên. Cục Dân số đã tiếp nhận ý kiến từ các chuyên gia và giao bộ phận chuyên môn rà soát tổng thể cùng với các báo cáo đánh giá, sau đó đề xuất và báo cáo lên Chính phủ.
Nếu được chấp thuận, dự thảo luật sẽ có đề xuất cụ thể để trình hồ sơ dự luật lên Chính phủ vào tháng 12 năm nay và dự kiến sẽ được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 6/2025.