Đề xuất giải thể đơn vị hành chính cấp huyện, 84 thành phố thuộc tỉnh sẽ không còn
Theo dự thảo Luật Chính quyền địa phương mới nhất vừa được Bộ Nội vụ chỉnh lý trình Chính phủ, chính quyền cấp huyện, bao gồm 84 thành phố thuộc tỉnh sẽ chấm dứt thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và dừng hoạt động kể từ ngày 1/7.
Theo đó, dự luật quy định mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gồm: Cấp tỉnh và cấp xã, không tổ chức cấp huyện.
Trong đó, cấp tỉnh giữ như quy định hiện hành gồm: Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cấp xã được tổ chức lại thành các đơn vị hành chính cấp xã mới gồm: Xã, phường và đặc khu (ở hải đảo).
Chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã đều tổ chức HĐND và UBND để bảo đảm bộ máy chính quyền thống nhất, hoạt động thông suốt từ Trung ương đến cấp xã.
Để bảo đảm hoạt động của chính quyền địa phương khi chuyển đổi mô hình chính quyền từ 3 cấp sang 2 cấp liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn công việc, không để chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn, không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, dự thảo luật quy định đưa ra một số nội dung đáng chú ý.
Trong đó, dự luật quy định giải thể đơn vị hành chính cấp huyện và chấm dứt hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện kể từ ngày 1/7/2025 (ngày luật có hiệu lực).
Đồng thời, dự luật quy định chấm dứt việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị đang thực hiện tại thành phố Hà Nội, TPHCM, thành phố Đà Nẵng và việc chuyển tiếp trong việc tổ chức chính quyền địa phương ở phường tại 3 thành phố này trong nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Dự luật cũng quy định 11 nội dung chuyển tiếp nhằm bảo đảm hoạt động liên tục, bình thường của các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới khi chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp thành 2 cấp theo quy định tại luật này.
Trong đó, để kịp thời thực hiện tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã theo mô hình mới, giao Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền phân định lại nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và điều chỉnh các quy định khác có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương.
Việc này để thống nhất áp dụng trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trường hợp liên quan đến luật, nghị quyết của Quốc hội thì báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện chuyển về cấp xã
Bộ Nội vụ cũng đề xuất sửa đổi các quy định về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã.
Cụ thể, cấp tỉnh tập trung ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, quản lý vĩ mô, các vấn đề có tính chất liên vùng, liên xã, vượt quá năng lực giải quyết của cấp xã, đòi hỏi chuyên môn sâu và đảm bảo tính thống nhất trên toàn cấp tỉnh.
Cấp xã là cấp tổ chức thực hiện chính sách (từ trung ương và cấp tỉnh), tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn; các nhiệm vụ cần sự tham gia của cộng đồng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp xã.
Cụ thể đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh: Để thực hiện nhất quán nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh theo quy định hiện hành thì dự thảo luật đã bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, các lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư,… của địa phương.
Đối với chính quyền địa phương cấp xã, dự thảo luật quy định chính quyền địa phương cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã hiện nay.
Cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và phạm vi, nhiệm vụ quản lý của chính quyền địa phương cấp xã.
Đồng thời, dự thảo luật quy định căn cứ tình hình thực tiễn, chính quyền địa phương cấp tỉnh có trách nhiệm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho chính quyền địa phương cấp xã đối với các vấn đề cấp xã thực hiện hiệu quả, sát thực tiễn hơn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đặc biệt là chính quyền địa phương cấp tỉnh đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở phường để quản lý và phát triển đô thị, phát triển kinh tế đô thị và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở đặc khu để trao quyền tự chủ trong việc quyết định các vấn đề nhằm bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên các vùng biển, hải đảo, phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế biển, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm thu hút người dân ra sinh sống, bảo vệ và phát triển hải đảo.
Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9 dự kiến khai mạc vào đầu tháng 5 tới đây.
Hiện cả nước có 696 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 84 thành phố thuộc tỉnh, 2 thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
Một số thành phố thuộc tỉnh có mức độ đô thị hóa cao, chỉ có phường mà không có xã trực thuộc như: Bắc Ninh, Dĩ An, Đông Hà, Sóc Trăng, Thủ Dầu Một, Từ Sơn, Vĩnh Long…
Quảng Ninh và Bình Dương là 2 tỉnh có nhiều thành phố trực thuộc nhất (5 thành phố).
Trong số 84 thành phố trực thuộc tỉnh, có một số mới thành lập như Phú Mỹ (2025), Hoa Lư (2025), Đông Triều (2024), Bến Cát (2024)... Ngoài ra, thành phố Thủy Nguyên (trực thuộc thành phố cấp trung ương Hải Phòng) được thành lập ngày 1/1/2025.
Ngược lại, có nhiều thành phố lâu đời, có bề dày văn hóa, lịch sử như: Đà Lạt, Nam Định, Việt Trì, Mỹ Tho… Hầu hết các thành phố trực thuộc các tỉnh còn lại được thành lập vào giai đoạn 2000-2020.
Theo đề xuất tại dự thảo luật này, 696 đơn vị hành chính cấp huyện sẽ giải thể và chấm dứt hoạt động từ ngày 1/7/2025. Như vậy 84 thành phố thuộc tỉnh hiện nay cũng sẽ không còn.
>> Bộ Nội vụ lý giải nguyên nhân tạm dừng sắp xếp, sáp nhập huyện, xã theo tiêu chuẩn cũ