Vĩ mô

Đề xuất giao PVN, EVN thực hiện thí điểm điện gió ngoài khơi

Phúc Lam 25/07/2024 - 12:37

Các dự án chỉ được giao cho các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân sau khi có đánh giá toàn diện dự án thí điểm và hệ thống văn bản pháp luật đã hoàn thiện.

Bộ Công Thương đề xuất 3 đơn vị kinh tế nhà nước là EVN, PVN và một đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thí điểm triển khai dự án điện gió ngoài khơi của Việt Nam thay vì tư nhân.

Lý do lựa chọn đơn vị kinh tế nhà nước để thực hiện thí điểm thay vì các nhà đầu tư tư nhân hay nhà đầu tư nước ngoài đã được Bộ Công thương thể hiện trong Đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện tại Việt Nam kèm theo Báo cáo trình Chính phủ ngày 15/7 vừa qua.

Theo đó, Bộ đề xuất giai đoạn đầu tập trung giao Tập đoàn kinh tế nhà nước làm dự án thí điểm, tạo tiền đề để hoàn thiện quy định pháp luật. Việc giao nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tư nhân chỉ thực hiện sau khi có đánh giá toàn diện dự án thí điểm và hệ thống văn bản pháp luật đã hoàn thiện.

Trên cơ sở đó, tại báo cáo ngày 15/7, 3 phương án chọn nhà đầu tư thí điểm được Bộ Công thương đưa ra, bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

Phương án 1, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là đơn vị thí điểm đầu tư. Bộ Công thương cho rằng một số hạng mục, công trình của loại nguồn điện này tương đồng với các dự án dầu khí ngoài khơi. Do đó, lợi thế của PVN là có cơ sở dữ liệu; nguồn lực dồi dào, chất lượng của ngành dầu khí trong triển khai dự án thí điểm, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả trong sử dụng tài sản vốn có, đẩy mạnh công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, thực hiện quyền chủ quyền trên biển.

Tuy nhiên, việc giao PVN đầu tư điện gió ngoài khơi cũng cần được đánh giá phù hợp với chủ trương của Đảng về định hướng ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh của PVN.

Phương án 2, giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). EVN có lợi thế về kinh nghiệm, năng lực trong đầu tư, quản lý vận hành các nhà máy, hệ thống truyền tải điện, đồng thời EVN là đơn vị mua, bán điện nên không phải đàm phán giá. Do đó, EVN sẽ tận dụng những lợi thế trên trong dự án triển khai điện gió ngoài khơi. Tuy có nhiều kinh nghiệm nhưng đây là một dự án mới nên có những đòi hỏi khác so với các dự án điện truyền thống.

Phương án 3, Bộ Công Thương đề xuất giao đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thí điểm làm dự án điện gió ngoài khơi. Bộ Công Thương cho rằng phương án này cần được đánh giá về sự phù hợp với chủ trương của Đảng, cũng như việc đánh giá tính khả thi sau khi xem xét năng lực của đơn vị cụ thể thuộc Bộ Quốc phòng.

Phát triển điện gió ngoài khơi để đáp ứng nhu cầu điện trong nước

Bộ Công thương cho rằng điện gió ngoài khơitại Việt Nam là lĩnh vực mới, còn tồn tại nhiều vướng mắc, thách thức liên quan đến chức năng nhiệm vụ của nhiều Bộ, cơ quan; Thiếu các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật đồng bộ để thực hiện nên việc thực hiện các mục tiêu nêu trong Quy hoạch điện VIII đặt ra nhiều khó khăn.

Đề xuất giao PVN, EVN thực hiện thí điểm điện gió ngoài khơi
Ảnh minh họa

Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam đặt mục tiêu công suất loại nguồn điện này đến năm 2030 đạt 6.000 MW, định hướng đến 2050 từ 70.000-91.500 MW. Song đến nay chưa có dự án nào được quyết định chủ trương và giao chủ đầu tư. Quy hoạch điện VIII cũng chưa nêu rõ số lượng, công suất và vị trí dự án điện gió ngoài khơi, phương án đấu nối nguồn điện này.

Nhằm phục vụ nhu cầu điện trong nước đến năm 2030 theo Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt nên Đề án chỉ tập trung nghiên cứu phát triển điện gió ngoài khơi. Trọng tâm là nghiên cứu các vướng mắc về pháp luật trong việc triển khai thực hiện nguồn điện này; không nghiên cứu nội dung liên quan tới điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu xuất khẩu và loại hình khác.

Bên cạnh đó, việc thiếu kinh nghiệm trong các dự án điện gió ngoài khơi là một khó khăn đối với Việt Nam, đồng thời chưa có bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác về khảo sát tốc độ gió và tiềm năng gió từng vùng, địa phương cũng như tổng thể toàn quốc; hiện trạng địa hình, độ sâu đáy biển. Do vậy, có thể chúng ta chưa lường trước được hết những xung đột giữa các ngành, lĩnh vực trong việc sử dụng chung không gian biển; những khó khăn, vướng mắc trong các quy định pháp luật; những khó khăn về mặt kỹ thuật liên quan đến phát triển và vận hành dự án điện gió ngoài khơi.

>> Bộ Công Thương đề xuất 3 phương án lựa chọn nhà đầu tư thí điểm điện gió ngoài khơi

Điều gì xảy ra nếu giá mua điện gió ngoài khơi cao hơn giá bán điện của EVN?

Bộ Công Thương đề xuất 3 phương án lựa chọn nhà đầu tư thí điểm điện gió ngoài khơi

Theo Kiến Thức Đầu Tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/de-xuat-giao-pvn-evn-thuc-hien-thi-diem-dien-gio-ngoai-khoi-243132.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Đề xuất giao PVN, EVN thực hiện thí điểm điện gió ngoài khơi
POWERED BY ONECMS & INTECH