Đề xuất kéo dài kỳ hạn trái phiếu phát hành, chuyển đổi trái phiếu để thanh toán gốc

14-12-2022 00:04|Minh Thuận

Một trong 3 đề xuất sửa đổi được Bộ Tài chính đề cập là việc "cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây được kéo dài kỳ hạn của trái phiếu" với điều kiện bắt buộc.

Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa công bố báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu trong tháng 11 và 11 tháng năm 2022.

Số liệu từ VBMA tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cho biết, tính đến ngày công bố thông tin 1/12/2022, CTCP Tập đoàn Masan là doanh nghiệp phát hành nhiều nhất trong tháng 11 với 1.700 tỷ đồng.

Ngoài ra trong tháng vừa qua còn có 4 đợt phát hành của Ngân hàng Đầu Tư và Phát triển Việt Nam, CTCP Đầu tư Đức Trung và CTCP City Auto.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của CTCP Tập đoàn Vingroup trị giá 625 triệu USD, 23 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 10.599 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 420 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 242.865 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành). Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 60% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 56%.

Nhóm Ngân hàng hiện vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136.371 tỷ đồng - tương đương 53,8% tổng giá trị phát hành. Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 51.829 tỷ đồng - chiếm khoảng 20,4%.

Cũng theo báo cáo của VBMA, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 163.974 tỷ đồng - tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021. Trong năm 2023, sẽ có khoảng 308.622 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.

Ở một diễn biến liên quan, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam về việc lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Bộ cũng đồng thời có văn bản trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chảo bản, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Một trong 3 đề xuất sửa đổi được Bộ Tài chính đề cập là việc "cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây được kéo dài kỳ hạn của trái phiếu".

Được biết, Nghị định số 65 quy định, đối với trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành trước khi Nghị định có hiệu lực thi hành và còn dư nợ thì “doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành". Quy định này tại Nghị định số 65 đã được thực hiện từ năm 2020 do hệ thống pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp được hoàn thiện qua từng giai đoạn để tiến tới việc phát hành trái phiếu chuẩn cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp.

Hiện nay thị trường tài chính, tiền tệ gặp khó khăn về thanh khoản, doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu mới trong khi lại có áp lực trả nợ đối với các trái phiếu đáo hạn năm 2023 - 2024 nên để hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng huy động vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn, thời gian gia hạn tối đa là 2 năm.

Việc cho phép gia hạn này về mặt tổng thể thị trường sẽ giúp phân tán khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh vào năm 2023 - 2024 (đối với trái phiếu đáo hạn vào 2023 - 2024, trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn thanh toán thì có thể thỏa thuận với nhà đầu tư để gia hạn sang 2005 - 2006 để qua giai đoạn đỉnh nợ).

Theo đánh giá của các chuyên gia, giai đoạn tới, kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đã tăng trưởng như hiện nay và đến giai đoạn năm 2025 - 2026 doanh nghiệp sẽ cơ bản giải quyết được các khó khăn về thanh khoản và cơ cấu nợ. Việc gia hạn trái phiếu phải được các chủ sở hữu trái phiếu đại diện trên 65% tổng số trái phiếu đang lưu hành chấp thuận (như quy định hiện hành), quy định này thống nhất với quy định đối với trái phiếu chào bản ra công chung nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật dân sự hoặc quy định của pháp luật có liên quan, doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc tài sản khác. Việc chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc tài sản khác phụ thuộc vào thỏa thuận giữa doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu trên cơ sở các cam kết, điều kiện mà doanh nghiệp phát hành đưa ra đối với từng đối tượng nhà đầu tư.

Do đó, để doanh nghiệp có thể lựa chọn các phương thức khác nhau để thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc tài sản khác để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật liên quan.

BIDV dẫn đầu khối ngân hàng, phát hành hơn 10.600 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 6/2022

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/de-xuat-keo-dai-ky-han-trai-phieu-phat-hanh-chuyen-doi-trai-phieu-de-thanh-toan-goc-162146.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Đề xuất kéo dài kỳ hạn trái phiếu phát hành, chuyển đổi trái phiếu để thanh toán gốc
POWERED BY ONECMS & INTECH