Nếu những đề xuất trên được thông qua, tiền lương tính đóng BHXH sẽ tăng, cùng với đó là mức đóng thực tế của người lao động và doanh nghiệp sẽ tăng theo.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lấy ý kiến đưa ra 2 phương án tính tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH. Cụ thể:
Phương án 1, giữ theo quy định hiện hành, tức lương tính đóng BHXH gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung xác định mức tiền cụ thể trong hợp đồng.
Theo tính toán của các doanh nghiệp, nếu theo phương án này, mức lương làm căn cứ đóng BHXH bằng khoảng 70% thu nhập thực tế của người lao động. Điều này sẽ giảm bớt áp lực cho lao động lẫn doanh nghiệp nhưng lại tạo ra khoảng cách thu nhập lẫn căn cứ đóng, khiến lương hưu sau này rất chênh lệch.
Phương án 2, tiền lương tháng tính đóng BHXH gồm lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, trừ tiền thưởng, tiền hỗ trợ không liên quan công việc, chức danh. Do đó, mức lương tính đóng BHXH sẽ tương đương khoảng 90% thu nhập thực tế hằng tháng của người lao động.
Nếu phương án 2 được thông qua sẽ làm giảm thu nhập của người lao động và gây áp lực lớn lên doanh nghiệp.
Bên cạnh 2 phương án trên, 8 hiệp hội doanh nghiệp cũng đề xuất hai phương án điều chỉnh tiền lương tính đóng BHXH theo hướng giảm tỷ lệ nhưng nâng nền đóng sát với thu nhập thực tế lao động.
Phương án 1, đưa tỷ lệ đóng về mức 20% như năm 2009, trong đó lao động 5% và giới chủ đóng 15%. Nền đóng không dựa trên đầu vào gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác trong hợp đồng mà căn cứ vào đầu ra, tức trên 70% thu nhập thực tế của lao động. Cách này sát thực tiễn, đảm bảo người thu nhập cao đóng nhiều, thu nhập thấp đóng ít.
Phương án 2, tỷ lệ đóng giảm xuống còn 16%, trong đó lao động 4% và giới chủ 12%. Nền đóng căn cứ trên thu nhập thực tế, chiếm khoảng 90%, trừ một số khoản không có tính chất lương.
“Lựa chọn 1 trong 2 phương án trên sẽ khắc phục được bất cập của tỷ lệ và nền đóng BHXH theo quy định hiện hành. Nguồn thu BHXH không giảm, thu nhập khi đi làm và lương hưu của người lao động không chênh lệch quá lớn, không còn yếu tố chủ quan (thỏa thuận) nên sẽ cân đối, công bằng giữa các doanh nghiệp hơn quy định hiện hành.
Cùng đó, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa có thể nghiên cứu quy định thấp hơn mức 75% tiền lương tính đóng, như quy định của nhiều nước trên thế giới nhưng lương hưu thực lĩnh của người lao động sẽ cao hơn”, các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị.
Nếu những đề xuất trên được thông qua, tiền lương tính đóng BHXH sẽ tăng, đi liền với đó là mức đóng thực tế của người lao động và doanh nghiệp sẽ tăng theo.
Thống kê năm 2021, bình quân tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc gần 5,7 triệu đồng, tăng 13% so với mức 4,3 triệu vào năm 2016, chủ yếu do điều chỉnh lương tối thiểu. Tiền lương đóng BHXH thấp ảnh hưởng trực tiếp đến lương hưu của lao động khi về già. Bởi mức lương hưu của lao động khu vực doanh nghiệp được tính toán dựa trên bình quân tiền đóng BHXH toàn bộ quá trình tham gia.
Từ 1/7/2025, đóng BHXH thiếu 6 tháng vẫn có cách được hưởng lương hưu
Nợ BHXH hàng tỷ đồng, 2 doanh nghiệp robot của đại gia Hồ Vĩnh Hoàng bị 'nhắc tên'