Đề xuất nguyên tắc, định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2026-2030
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030.
Dự thảo nêu rõ về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương trong nước giai đoạn 2026-2030.
Theo đó, nguyên tắc phân bổ vốn: Thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Điều 4 Nghị quyết này về các nguyên tắc chung, thứ tự ưu tiên phân bổ vốn và các nguyên tắc cụ thể sau:
a) Bảo đảm tương quan hợp lý về cơ cấu phân bổ vốn đầu tư giữa các bộ, cơ quan trung ương và giữa các ngành, lĩnh vực; vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương; ưu tiên vốn để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án cụ thể bao gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, dự án kết nối, có tác động liên vùng, dự án có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, chương trình, nhiệm vụ, dự án quốc phòng, an ninh, tư pháp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hạ tầng số, giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường.
b) Vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương được phân bổ theo ngành, lĩnh vực theo quy định.
c) Các nhiệm vụ, chương trình, dự án được giao kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương phải bảo đảm đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.
Tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương trong nước giai đoạn 2026-2030
Theo dự thảo, vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bố trí cho nhiệm vụ, chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi đầu tư của ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và thuộc đối tượng đầu tư công quy định của Luật Đầu tư công.
Cơ cấu phân bổ vốn ngân sách trung ương:
(i) Dành tối đa không quá 30% để bổ sung có mục tiêu cho địa phương và được phân bổ theo ngành, lĩnh vực (không bao gồm vốn các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia và vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài).
(ii) Mức vốn còn lại được phân bổ như sau:
- Phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương theo ngành, lĩnh vực. Các bộ, cơ quan trung ương chịu trách nhiệm phân bổ cụ thể cho các chương trình, dự án theo đúng quy định của pháp luật và theo các nguyên tắc, thứ tự ưu tiên quy định tại Nghị quyết này.
- Phân bổ cho các nhiệm vụ, chương trình, dự án cụ thể bao gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, dự án kết nối, có tác động liên vùng, dự án có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, chương trình, nhiệm vụ, dự án quốc phòng, an ninh, tư pháp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hạ tầng số, giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, chuyển đổi xanh, nghĩa vụ thanh toán của ngân sách trung ương, các chính sách khác sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc, định mức phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030
Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương cho các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện theo chủ trương đầu tư của từng chương trình do Quốc hội quyết định.
Đồng thời bảo đảm đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công và các văn bản quy định hiện hành.
Địa phương duy nhất có 3 mặt giáp biển: Giải ngân gần 1.600 tỷ đồng vốn đầu tư công
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công