11 tháng đầu năm 2022, thị trường chứng khoán phái sinh (CKPS) Việt Nam đã có sự tăng trưởng rất tích cực, phát huy vai trò phòng vệ rủi ro trong điều kiện thị trường cơ sở có nhiều biến động.
Thị trường phái sinh bùng nổ trong năm 2022
Tại thời điểm cuối tháng 10/2022, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt mức 1,12 triệu tài khoản - tăng 53,2% so với cuối năm 2021. Khối lượng giao dịch bình quân HĐTL VN30 trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt trên 200 nghìn hợp đồng/phiên - tăng 13% so với trung bình năm 2021.
Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 25/10/2022 có khối lượng giao dịch đạt 647 nghìn hợp đồng, mức lớn nhất trong lịch sử hoạt động của thị trường CKPS.
Khối lượng hợp đồng mở (OI) của sản phẩm HĐTL VN30 cũng liên tục tăng, đạt mức 49.170 hợp đồng vào cuối tháng 10/2022, tăng 55,7% so với cuối năm 2021. Thanh khoản của sản phẩm HĐTL VN30 tăng mạnh trong những thời điểm chỉ số VN30 có sự sụt giảm lớn bởi các tác động tiêu cực từ sự sụt giảm của chứng khoán toàn cầu hay các thông tin liên quan đến vấn đề TPDN, các vụ việc vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán. Một trong những nguyên nhân chính có thể là do nhà đầu tư có thể tìm kiếm lợi nhuận ngay cả khi thị trường đi xuống và cũng là để phòng ngừa rủi ro.
Về cơ cấu nhà đầu tư, sự dịch chuyển tích cực hơn khi giảm dần tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân và tăng tỷ trọng của nhà đầu tư tổ chức. Trong 9 tháng đầu năm, 72% giao dịch được thực hiện bởi nhà đầu tư cá nhân, đã giảm khá mạnh so với tỷ lệ gần 99% năm 2018 và 86% những tháng cuối năm 2019. Tỷ trọng giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài, mặc dù vẫn còn khiêm tốn, nhưng cũng liên tục tăng, đạt mức 2,2% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường 9 tháng đầu năm 2022 so với tỷ trọng 0,1% năm 2017.
Về sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, tính chung 11 tháng năm 2022, khối lượng giao dịch chứng quyền đạt 31,97 triệu chứng quyền/phiên - tăng 50% so với bình quân năm 2021; tuy nhiên, giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt 22,18 tỷ đồng/phiên - giảm 69% so với bình quân năm 2021.
Sản phẩm hợp đồng tương lai trên Trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm chính thức được đưa vào giao dịch vào ngày 28/6/2021, với tổng khối lượng giao dịch tính từ đầu năm đến nay đạt 10.000 hợp đồng.
Về cơ sở pháp lý, các quy định điều tiết thị trường CKPS cũng ngày càng được hoàn thiện hơn. Quyết định số 61/QĐ-VSD ngày 16/05/2022 của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam về việc ban hành quy chế bù trừ và thanh toán giao dịch CKPS giúp giảm thiểu hiện tượng thao túng thị trường bằng cách thay đổi phương pháp tính giá thanh toán cuối cùng của HĐTL VN30. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Chỉ thị số 02 ngày 05/09/2022 về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, ổn định thị trường chứng khoán.
Vấn đề tồn đọng trên thị trường phái sinh và giải pháp
Mặc dù có những bước phát triển mạnh mẽ trong 11 tháng đầu năm 2022, thị trườngCKPS cũng bộc lộ nhiều tồn tại cần phải được quan tâm giải quyết.
Thứ nhất, cơ cấu sản phẩm của thị trường CKPS còn rất hạn chế, chỉ bao gồm hai dòng sản phẩm chính là dòng sản phẩm HĐTL trên chỉ số VN30 và dòng sản phẩm HĐTL trên trái phiếu chính phủ (TPCP), còn chưa có các sản phẩm khác như HĐTL trên chỉ số cố phiếu khác, HĐTL trên cổ phiếu đơn lẻ, hợp đồng quyền chọn,... - các sản phẩm phái sinh mới này chưa có lộ trình triển khai cụ thể trong năm 2022 và 2023 do đó nhà đầu tư nhiều khả năng phải chờ đợi thêm trong trung hạn).
Đáng nói, HĐTL TPCP có thanh khoản không cao và cũng thiếu sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Trên thực tế, nhà đầu tư cá nhân chỉ có thể tiếp cận HĐTL trên chỉ số VN30, còn HĐTL TPCP chỉ có thể tham gia bởi nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp.
Thứ hai, tài sản cơ sở của HĐTL trên chỉ số chính là chỉ số VN30 (bao gồm 30 mã cổ phiếu có giá trị vốn hóa thị trường cao và tính thanh khoản tốt nhất được niêm yết trên sàn chứng khoán HSX), do đó có thể xảy ra hiện tượng can thiệp, thao túng giá trên thị trường cơ sở để đưa chỉ số VN30 về mức mong muốn.
Thứ ba, mặc dù cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường CKPS có sự chuyển biến tích cực như đã đề cập ở trên, tuy nhiên vẫn phải nhìn nhận thực tế rằng số lượng nhà đầu tư tổ chức vẫn còn rất hạn chế (đây cũng có thể là một nguyên nhân khiến cho giao dịch các HĐTL TPCP còn khá khiêm tốn). Bên cạnh đó, tỷ trọng của khối ngoại trên thị trường CKPS Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn.
Thứ tư, tỷ trọng các hợp đồng mở (IO) còn chiếm tỷ trọng thấp cho dù khối lượng giao dịch trung bình phiên của HĐTL chỉ số VN30 ngày càng gia tăng, qua đó phản ánh các nhà đầu tư chủ yếu thực hiện lướt sóng chứ không nắm giữ kỳ hạn dài.
Đáng chú ý, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đầu tư Nghiên cứu BIDV đề xuất Bộ Tài chính, UBCKNN cần nên sớm phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh mới như hợp đồng tương lai trên chỉ số cố phiếu khác, hợp đồng tương lai trên cổ phiếu đơn lẻ, hợp đồng quyền chọn, v.v. nhằm đa dạng hóa sản phẩm, khắc phục hạn chế của HĐ tương lai chỉ số VN30 hiện tại, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hiện nay, dự thảo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng, bao gồm mục tiêu tăng trưởng trung bình 20 - 30% mỗi năm của thị trường CKPS trong giai đoạn 2022 - 2030.