Đem hơn 12 tỷ USD đi đầu tư, gần 80 công ty chứng khoán phân bổ dòng tiền ra sao?
Danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán trong quý II/2025 phân hóa rõ nét theo khẩu vị đầu tư của từng đơn vị.
Báo cáo tài chính quý II và 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy mảng tự doanh tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong hoạt động của nhiều công ty chứng khoán.
Theo thống kê từ gần 80 công ty chứng khoán, tổng giá trị danh mục tự doanh tính đến cuối tháng 6 đạt gần 323.600 tỷ đồng, tương đương khoảng 12,4 tỷ USD. Quy mô này không chỉ cao hơn gần 4,5% so với cuối quý I mà còn duy trì đà tăng trưởng liên tục trong nhiều quý gần đây, cho thấy dòng tiền tự doanh vẫn mở rộng tích cực. Tuy vậy, cơ cấu phân bổ danh mục lại cho thấy sự phân hóa đáng kể, phản ánh chiến lược đầu tư khác nhau giữa các công ty chứng khoán.
Trong danh mục tự doanh, tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, với giá trị gần 193.700 tỷ đồng, tương đương gần 60% tổng danh mục. Tuy nhiên, con số này đã giảm nhẹ khoảng 1% so với mức kỷ lục ghi nhận vào cuối quý I.
![]() |
Ảnh: Tự tổng hợp |
Dẫn đầu về quy mô tài sản FVTPL là Chứng khoán SSI, với giá trị cuối quý II đạt 45.200 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn danh mục được phân bổ vào chứng chỉ tiền gửi (28.370 tỷ đồng) và trái phiếu (15.044 tỷ đồng), trong khi chỉ khoảng 1.800 tỷ đồng được đầu tư vào cổ phiếu và chứng khoán niêm yết, tập trung vào các mã như HPG, MSN, ACB, VPB...
Xếp sau SSI là Chứng khoán VNDirect (VND) với giá trị danh mục FVTPL đạt khoảng 20.700 tỷ đồng. Trong đó, gần 59% được phân bổ vào trái phiếu, 28% vào chứng chỉ tiền gửi. Riêng khoản đầu tư vào cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết chiếm hơn 1.100 tỷ đồng, nổi bật với VPB (471 tỷ đồng) và HSG (445 tỷ đồng). Ngoài ra, VNDirect còn dành hơn 1.500 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu và chứng chỉ quỹ chưa niêm yết.
Ba công ty còn lại trong Top 5 công ty chứng khoán có danh mục tự doanh lớn nhất bao gồm Chứng khoán VPBank (VPBankS), Chứng khoán HSC và Chứng khoán VIX, đều sở hữu danh mục có giá trị trên 10.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Chứng khoán HSC phân bổ toàn bộ danh mục tự doanh vào nhóm FVTPL, với giá trị hơn 13.000 tỷ đồng. Trong đó, danh mục đầu tư chủ yếu là trái phiếu thuộc nhóm ngân hàng với tổng giá trị 7.131 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HSC cũng mạnh tay rót hơn 3.500 tỷ đồng vào cổ phiếu, tập trung vào các mã ngân hàng như TCB, STB, MBB, VIB, VPB cùng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như HPG, FPT, MWG, SSI.
![]() |
Danh mục đầu tư cổ phiếu của HSC tính đến cuối quý II/2025 |
Trong khi đó, nhóm tài sản nắm giữ đến đáo hạn (HTM) ghi nhận mức tăng mạnh, với giá trị lên gần 91.700 tỷ đồng, tương đương mức tăng 13% so với cuối quý I. Nổi bật trong nhóm này là ACBS, khi có đến 75% danh mục tự doanh phân bổ vào HTM, tương ứng gần 15.500 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi ngân hàng. VNDirect cũng dành khoảng 9.900 tỷ đồng cho HTM, trong đó 100% là tiền gửi. SSI và VPS lần lượt đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng vào nhóm tài sản này.
Bên cạnh đó, nhóm tài sản sẵn sàng để bán (AFS) cũng ghi nhận mức tăng đáng kể 17%, đạt 38.220 tỷ đồng, hiện chiếm gần 12% tổng giá trị danh mục tự doanh. Nổi bật nhất là Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) với danh mục AFS trị giá 21.700 tỷ đồng, trong đó 68% là trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết; phần còn lại được phân bổ vào cổ phiếu và trái phiếu niêm yết.
>> Chuyên gia Mirae Asset: Dư nợ margin chưa căng, chưa đáng lo
Chứng khoán bước vào tuần quan trọng, nhà đầu tư đặc biệt lưu ý
Khối ngoại rút ròng gần 900 tỷ đồng khỏi Hòa Phát (HPG), cổ phiếu quốc dân liệu còn hấp dẫn?