Dệt may Thành Công (TCM) đã hoàn thành 90% đơn hàng cho quý 1/2024

22-12-2023 07:28|Mai Chi

Lợi nhuận tháng 11 của Dệt may Thành Công (TCM) giảm 56%, thấp nhất 5 tháng qua.

Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, HoSE:TCM) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 11/2023 với doanh thu gần 11,7 triệu USD và lợi nhuận sau thuế 354.000 USD, lần lượt giảm 16% và 56% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là tháng thứ 6 liên tiếp, doanh nghiệp dệt may này ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tháng 11/2023 cũng là tháng có lợi nhuận thấp nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây của Dệt may Thành Công.

Trong tháng 11/2023, doanh thu xuất khẩu của Dệt may Thành Công chiếm gần 92%; còn lại là tiêu thụ tại thị trường nội địa. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường châu Á chiếm 60,3% tổng doanh thu; trong đó, riêng Hàn Quốc chiếm 26,46%; Nhật Bản chiếm 14,9%; và Trung Quốc chiếm 10,19%.

Thị trường châu Mỹ chiếm 26,6% tổng doanh thu; trong đó, riêng Mỹ chiếm 18,28%. Xuất khẩu sang thị trường châu Âu chỉ chiếm 3,5% tổng doanh thu; trong đó, riêng thị trường Anh chiếm 2,74%.

Dệt may Thành Công (TCM) đã hoàn thành 90% đơn hàng cho quý 1/2024
Doanh thu và lợi nhuận của Dệt may Thành Công trong tháng 11

>> Dệt may Thành Công (TCM) giảm 45% lợi nhuận trong tháng 10

Lũy kế 11 tháng năm 2023, Dệt may Thành Công ghi nhận tổng doanh thu hơn 128 triệu USD và lãi ròng hơn 7,5 triệu USD, lần lượt giảm 25% và 29% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, doanh nghiệp này đã hoàn thành hơn 79% mục tiêu doanh thu và gần 75% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.

Nguồn thu của Dệt may Thành Công đến từ 03 mảng chính, gồm: sản phẩm may (chiếm 75%), vải (chiếm 16%), và sợi (chiếm 8%). Đại diện Dệt may Thành Công chia sẻ, do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, lạm phát cao tại Mỹ và EU trong thời gian qua đã khiến người tiêu dùng tại hai thị trường này thắt chặt chi tiêu, giảm tiêu dùng những mặt hàng không thiết yếu, bao gồm hàng dệt may. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của Dệt may Thành Công cũng như các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Tuy nhiên, nhờ thực hiện chiến lược đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đặc biệt là sang các thị trường châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, và Trung Quốc, cũng như chú trọng phát triển thị trường nội địa đối với mảng vải - sợi để giảm thiểu rủi ro và gia tăng tỷ trọng xuất khẩu, phần nào đã duy trì hoạt động sản xuất qua giai đoạn khó khăn này, đại diện Dệt may Thành Công cho biết.

Đối với tình hình đơn hàng, Dệt may Thành Công cho biết hiện các chuyền may vẫn chưa hoạt động tối đa công suất. Ước tính đến tháng 12/2023, công ty đạt khoảng 76% kế hoạch doanh thu đơn hàng năm 2023 và đã nhận khoảng 90% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 1/2024.

Theo nhận định từ các chuyên gia, ngành dệt may Việt Nam hiện đã qua giai đoạn xấu nhất nhưng bước sang năm 2024, vẫn tiếp tục đối mặt với một số thách thức, gồm: đơn hàng xuất khẩu vẫn ở mức yếu, chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào vẫn cao, rủi ro nghĩa vụ trả nợ còn cao, rủi ro tỷ giá giảm, xu hướng xanh hoá diễn ra nhanh,…

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may Việt Nam năm nay đạt khoảng 40,3 tỷ USD và hiện đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2024 tăng 9,2%, lên mức 44 tỷ USD.

>> Dệt may Thành Công (TCM) ước lãi 105 tỷ trong quý 3, vẫn thiếu đơn hàng cho quý 4

Dệt may Thành Công (TCM) bổ nhiệm thêm 1 lãnh đạo người Hàn

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/det-may-thanh-cong-tcm-da-hoan-thanh-90-don-hang-cho-quy-12024-216488.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Dệt may Thành Công (TCM) đã hoàn thành 90% đơn hàng cho quý 1/2024
    POWERED BY ONECMS & INTECH