Đi qua những đêm trăng
Không khí Tết Trung Thu đang gõ cửa từng ngôi nhà cho đến những con phố. Tuy nhiên, mỗi thời mỗi khác, và Trung Thu cũng vậy, đều sẽ có những thay đổi gắn liền với cuộc sống hiện đại của con người.
Tết Trung Thu cũng là dịp để ta nhớ về những truyền thống và giá trị văn hóa của dân tộc. Chúng ta nhớ về câu chuyện Chú Cuội và cây đa, về cái đẹp của đèn lồng và về sự kết nối của mỗi gia đình trong buổi tối trăng tròn.
Dù là ở bất kỳ nơi đâu, mỗi chúng ta đều có những kỷ niệm riêng về Tết Trung Thu. Đó có thể là những chiếc đèn lồng tự làm, những chiếc bánh Trung Thu mộc mạc hay những mâm cỗ truyền thống bày trên tấm chiếu giữa sân ngửa cổ đón trăng. Những hoài niệm này gợi lên trong chúng ta những kỷ niệm đáng quý và tạo nên sự kết nối với văn hóa và truyền thống dân tộc. Dù ở đâu, trong bất kỳ nơi nào trên thế giới, nhớ về ngày Trung Thu luôn mang lại cho chúng ta một mảnh trời kỷ niệm ấm áp và tình yêu thương.
Trung Thu xưa bánh dẻo truyền thống được làm thủ công từ bột, trứng với nhân đậu xanh hay thập cẩm (hạt dưa, mứt, bí, thịt gà, lá chanh…). Cả nhà cùng ngồi ngắm trăng rằm tròn vành vạnh, thưởng thức hương vị của món bánh cổ truyền và nhâm nhi tách trà ấm nóng trong không khí đoàn viên. Ngày xưa bạn phải đợi tới rằm tháng Tám mới được ăn bánh nướng, bánh dẻo. Bây giờ, bánh được bán cách Trung Thu tới vài tháng với giá thành phong phú, phù hợp với túi tiền của đa số người dân. Có lẽ vì thế, cái cảm giác háo hức chờ được ăn bánh Trung Thu đã không còn như trước nữa.
Ngày xưa, cứ gần tới Rằm tháng Tám, người lớn lại tự làm hay mua những món đồ chơi truyền thống, thủ công như đèn lồng, đèn ông sao, đầu sư tử, mặt nạ, trống,… để tặng cho trẻ nhỏ cầm chơi. Những món đồ rất đơn giản, được làm từ giấy màu, giấy bóng kính, keo dán nhưng vô cùng bắt mắt và nhiều màu sắc khiến những đứa trẻ 5,6X như chúng tôi thích mê mẩn, Trung Thu là đi chợ Hàng Mã mua đèn ông sao, đèn ông sư thắp nến quay tít
Nhịp sống hiện đại thay thế dần văn hóa đô thị nhà cửa mọc san sát nhau thì hiếm thấy lại cảnh đó. Bây giờ có rất nhiều khu vui chơi, nhà văn hóa, trung tâm thương mại, phố đi bộ,… mở ra với đủ các trò chơi giải trí thu hút cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Mọi người có tâm lý hưởng thụ và hướng ngoại hơn. Họ tận hưởng Trung Thu bằng việc ăn uống ở quán xá, nhà hàng, dạo phố, tham gia các sự kiện Trung Thu, trò chuyện qua mạng xã hội, chia sẻ niềm vui qua những tấm hình check-in,…
Trung Thu xưa và nay có quá nhiều sự khác biệt. Nhưng nhìn chung, dù thay đổi như thế nào đi nữa thì đây vẫn là một ngày Tết lớn, ngày đoàn viên để mọi người tụ họp và gắn kết. Còn bạn, bạn thích Trung Thu của ngày xưa hay Trung Thu của bây giờ? Còn tôi vẫn nhớ Trung Thu xưa với nhiều kỷ niệm, ký ức đẹp của một thời con nít.