Dịch cúm mùa diễn biến phức tạp, ghi nhận nhiều ca nặng kèm biến chứng nguy hiểm: Tiêm vắc xin liệu có kịp phòng ngừa?
Tại Hà Nội, nhiều ca cúm nghiêm trọng đang được điều trị, làm dấy lên cảnh báo về căn bệnh tưởng chừng đơn giản nhưng tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm.
Cúm mùa là một bệnh truyền nhiễm phổ biến nhưng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não và thậm chí tử vong, đặc biệt đối với người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai và những người có bệnh lý nền.
![Dịch cúm mùa diễn biến phức tạp, ghi nhận nhiều ca nặng kèm biến chứng nguy hiểm: Tiêm vắc xin liệu có kịp phòng ngừa? - ảnh 1](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/06/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-duongnhatlinh-2025_02_06-_benh-nhan-cum_lnck.jpg)
Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện tại bệnh viện đang tiếp nhận 8 trường hợp nhiễm cúm, trong đó có những bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, phải can thiệp ECMO.
ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực của bệnh viện, cảnh báo rằng cúm đặc biệt nguy hiểm đối với người cao tuổi, những người có bệnh lý nền hoặc hệ miễn dịch suy giảm. Nếu không được kiểm soát kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tổn thương phổi nghiêm trọng, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đa tạng và thậm chí tử vong.
ThS.BS Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết bệnh cúm xuất hiện quanh năm tại Việt Nam, nhưng bùng phát mạnh vào mùa đông xuân. Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người cao tuổi và phụ nữ mang thai là nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất.
![Dịch cúm mùa diễn biến phức tạp, ghi nhận nhiều ca nặng kèm biến chứng nguy hiểm: Tiêm vắc xin liệu có kịp phòng ngừa? - ảnh 2](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/06/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-duongnhatlinh-2025_02_06-_anh_chup_man_hinh_2025-02-06_213720_cqho.png)
Theo thống kê, trên thế giới, tỷ lệ mắc cúm có thể lên tới 30% ở trẻ em và 10% ở người trưởng thành, với gần 650.000 ca tử vong mỗi năm do bệnh này. Để phòng ngừa, tiêm vắc xin cúm là biện pháp hiệu quả nhất, bên cạnh việc rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người và hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
Bảo vệ sức khỏe trước biến chứng nguy hiểm của cúm mùa bằng vắc xin
Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng ngừa cúm mùa bằng cách tiêm vắc xin, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp có nguy cơ bùng phát mạnh.
![Dịch cúm mùa diễn biến phức tạp, ghi nhận nhiều ca nặng kèm biến chứng nguy hiểm: Tiêm vắc xin liệu có kịp phòng ngừa? - ảnh 3](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/06/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-duongnhatlinh-2025_02_06-_17388261804291_hlni.jpg)
Ghi nhận từ trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu cho thấy, đầu năm 2025, số lượng khách hàng đến tiêm chủng đã tăng 5% so với cuối năm trước. Đáng chú ý, nhu cầu tiêm vắc xin cúm và phế cầu đã tăng gấp đôi trong vòng 1-2 tháng qua do ảnh hưởng của sự thay đổi thời tiết và sự nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc phòng bệnh. Đáp ứng nhu cầu này, trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ với ưu đãi lên đến 10% giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận với vắc xin chất lượng cao.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 1 tỷ ca mắc cúm, với 3-5 triệu ca bệnh nặng và từ 290.000 đến 650.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, số ca mắc cúm mùa hàng năm dao động từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp. Hệ thống giám sát viêm phổi cấp do virus tại Việt Nam tiếp tục ghi nhận khoảng 10% mẫu bệnh nhân cúm dương tính với chủng cúm A (H1N1).
Vậy, sau khi tiêm vắc xin cúm thì bao lâu có tác dụng?
Sau khi tiêm khoảng 2 tuần, cơ thể bắt đầu tạo ra kháng thể chống lại virus cúm. Trong thời gian này, nếu tiếp xúc với nguồn lây, vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh. Vì vậy, ngoài việc tiêm phòng, mỗi người cần thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ cá nhân.
![Dịch cúm mùa diễn biến phức tạp, ghi nhận nhiều ca nặng kèm biến chứng nguy hiểm: Tiêm vắc xin liệu có kịp phòng ngừa? - ảnh 4](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/06/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-duongnhatlinh-2025_02_06-_2788035085332437051079284391405721490467817n-16507026881081403992779-1658749260127878585302_ckwe.jpg)
vắc xin cúm chỉ có tác dụng bảo vệ trong khoảng một năm. Do virus cúm liên tục biến đổi, WHO hằng năm sẽ dự báo các chủng virus có khả năng gây dịch để sản xuất vắc xin phù hợp. Vì thế, việc tiêm nhắc lại mỗi năm là cần thiết để duy trì miễn dịch tối ưu.
Mặc dù vắc xin giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, nhưng tùy vào cơ địa từng người và mức độ tương đồng giữa chủng virus lưu hành với vắc xin, vẫn có khả năng bị cúm. Tuy nhiên, những người đã tiêm phòng sẽ ít có nguy cơ bị biến chứng nặng như viêm phổi hoặc suy hô hấp.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiêm phòng cúm giúp giảm đáng kể nguy cơ nhập viện và tử vong:
Giảm 60% nguy cơ tử vong và 40% tỷ lệ bệnh nhân phải vào khoa hồi sức tích cực (ICU) ở người trên 65 tuổi;
Giảm 20% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch ở bệnh nhân suy tim;
Giảm 80% số ca nhập viện do cúm ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2;
Giảm 40% số ca nhập viện vì cúm ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD);
Giảm 27% nguy cơ sinh non ở phụ nữ mang thai;
Giảm tới 40% nguy cơ lên cơn hen cấp tính ở bệnh nhân hen suyễn;
Giảm 70-90% nguy cơ nhiễm cúm ở người lớn và 74% nguy cơ mắc cúm nặng đe dọa tính mạng ở trẻ trên 3 tuổi.
Hiện nay, có nhiều loại vắc xin cúm khác nhau, bao gồm: Vaxigrip Tetra (Pháp); Influvac Tetra (Hà Lan); GCFlu Quadrivalent (Hàn Quốc); Ivacflu-S (Việt Nam). Giá tiêm phòng dao động từ 280.000 - 360.000 đồng, tùy loại vắc xin và cơ sở tiêm chủng.
>> Dấu hiệu cảnh báo bệnh cúm từ 'sốt vài ngày' chuyển nặng sang 'phổi trắng'