Dấu hiệu cảnh báo bệnh cúm từ 'sốt vài ngày' chuyển nặng sang 'phổi trắng'
Với các bệnh nhân bị cúm, hầu hết có thể phục hồi trong vòng vài ngày đến dưới 2 tuần. Tuy nhiên, với những người bị biến chứng có thể đe dọa tính mạng và dẫn đến tử vong.
Những ngày gần đây, bệnh cúm đang là chủ đề nhận được nhiều quan tâm của dư luận. Sau cái chết của minh tinh Từ Hy Viên, không ít người "sốc" trước mức độ nguy hiểm của bệnh cúm.
Chiều 5/2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo về dịch cúm mùa. Bộ Y tế cho biết đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản hiện nay chủ yếu do cúm A gây ra, nhưng vẫn còn nguy cơ bùng phát dịch do cúm B.
![Dấu hiệu cảnh báo bệnh cúm từ 'sốt vài ngày' chuyển nặng sang 'phổi trắng' - ảnh 1](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/06/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-luonghaiyen-2025_02_06-_benhcum2_jiht.png)
Cúm là bệnh đường hô hấp truyền nhiễm do virus cúm gây ra với nhiều triệu chứng xuất hiện đột ngột. Những dấu hiệu có thể dễ dàng nhận biết bệnh cúm là sốt, cảm thấy ớn lạnh, ho, đau họng, sổ mũi hay nghẹt mũi, đau cơ hoặc đau mỏi khắp cơ thể, đau đầu. Một số người có thể có các triệu chứng như nôn mửa và tiêu chảy.
Với các bệnh nhân bị cúm, hầu hết có thể phục hồi trong vòng vài ngày đến dưới 2 tuần. Tuy nhiên, với những người bị biến chứng có thể đe dọa tính mạng và dẫn đến tử vong. Trong đó, các biến chứng phổ biến của bệnh cúm là nhiễm trùng xoang, tai. Đặc biệt, viêm phổi, phổi trắng là biến chứng nặng của cúm, nguyên nhân có thể là nhiễm virus cúm đơn thuần hoặc đồng nhiễm virus cúm và vi khuẩn. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị các biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm cơ tim, viêm não hoặc các mô cơ (viêm cơ, tiêu cơ vân), suy đa tạng như suy hô hấp và suy thận.
![Dấu hiệu cảnh báo bệnh cúm từ 'sốt vài ngày' chuyển nặng sang 'phổi trắng' - ảnh 2](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/06/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-luonghaiyen-2025_02_06-_benhcum3_masd.jpg)
Vì thế, mọi người nên cẩn trọng và tìm hiểu kỹdấu hiệu của bệnh cúm:
Ở trẻ em:
Khi bị cúm, trẻ em có thể gặp phải những triệu chứng nghiêm trọng như thở nhanh hoặc khó thở, môi và mặt có thể tím tái; co rút xương sườn khi thở; đau cơ nghiêm trọng, khiến trẻ không chịu đi lại; mất nước: không đi tiểu trong vòng 8 giờ, miệng khô, không có nước mắt khi khóc; không tỉnh táo, không tương tác khi thức; co giật, sốt trên 40°C không hạ được bằng thuốc hạ sốt. Đặc biệt, với trẻ dưới 12 tuần tuổi, bệnh có thể giảm sốt và ho, nhưng sau đó tái phát hoặc trở nên nặng hơn.
Ở người lớn:
Người lớn khi mắc cúm nặng có thể xuất hiện các dấu hiệu như khó thở, thở ngắn, đau hoặc tức ngực dai dẳng; chóng mặt kéo dài, lú lẫn, không thể đánh thức; co giật, không đi tiểu; đau cơ, suy yếu nghiêm trọng, cơ thể không vững. Cũng như trẻ em, người lớn có thể gặp tình trạng bệnh giảm sốt hoặc ho nhưng sau đó lại tái phát nặng hơn, các bệnh mạn tính có thể trở nên trầm trọng hơn.
![Dấu hiệu cảnh báo bệnh cúm từ 'sốt vài ngày' chuyển nặng sang 'phổi trắng' - ảnh 3](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/06/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-luonghaiyen-2025_02_06-_benhcum1_vzko.jpg)
Hiện tại là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường cùng với ô nhiễm không khí gia tăng, tạo điều kiện cho bệnh cúm dễ lây lan. Để bảo vệ sức khỏe, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh cúm, bao gồm:
Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi: Nên dùng khăn vải, khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần, hoặc ống tay áo để giảm sự phát tán của dịch tiết đường hô hấp.
Đeo khẩu trang khi ở nơi đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi.
Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
Hạn chế tiếp xúc với người mắc cúm hoặc nghi ngờ mắc bệnh, nếu không cần thiết.
Tiêm vaccine cúm mùa để phòng bệnh hiệu quả.
Khi có các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân không nên tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà. Thay vào đó, cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.