Bất động sản

Điểm lại những lùm xùm của Tổng công ty 36 - Đơn vị mới bị phạt nặng vì chiếm đất nông nghiệp

Ngô Hương 18/09/2023 19:30

Đây không phải là lần duy nhất Tổng công ty 36 mắc sai phạm. Trước đó, đơn vị này đã bị xử phạt rất nhiều lần tại các dự án lớn.

Chiếm đất chưa được sử dụng, chiếm đất nông nghiệp

UBND tỉnh Hòa Bình vừa có quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Tổng Công ty 36, địa chỉ trụ sở chính tại số 141 Hồ Đắc Di (phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP Hà Nội).

images1690199_TrusoTCT

Nguồn ảnh: 36corp

Theo đó, Tổng Công ty 36 đã thực hiện 2 hành vi vi phạm là chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn diện tích là 64.397m2 và chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn với diện tích là 25.748m2 tại xóm Sòng, xã Liên Sơn (huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình).

Những hành vi này vi phạm Điểm đ, Khoản 1 và Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 91 năm 2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Tổng Công ty 36 bị áp xử phạt với tổng số tiền 270 triệu đồng, buộc thực hiện thủ tục thuê đất theo quy định. Tổng Công ty 36 cũng bị yêu cầu buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm d, Khoản 7, Điều 14 Nghị định số 91 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với số tiền gần 1,1 tỷ đồng.

Tổng công ty 36 dính hàng loạt sai phạm tại các địa phương

Trước đó, vào tháng 9/2022, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tổng Công ty 36 - CTCP (Tổng Công ty 36) về các hành vi: Lấn chiếm đất rừng sản xuất khi chưa được cấp có thẩm quyền cho thuê đất; khai thác khoáng sản vượt công suất; khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép... Đồng thời đình chỉ hoạt động khai thác trong thời gian 105 ngày.

z3746314733716-c3f49d5fd28fbdf12a080ea0f99bf304

Nguồn ảnh: Báo Thanh tra

Cụ thể, Tổng Công ty 36 đã lấn, chiếm 23.610m2 đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn (khu vực lèn Trốt, xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu) để làm trạm trộn, văn phòng, bãi tập kết. Trong đó, diện tích 15.145m2, thời gian vi phạm là 5 năm và diện tích 8.464m2 thời gian vi phạm là 1 năm, nằm ngoài diện tích cấp phép khai thác mỏ, diện tích lấn chiếm chưa được UBND tỉnh cho chủ trương thuê đất.

Với hành vi này, Tổng Công ty 36 bị phạt tiền 120 triệu đồng. Đồng thời, trong thời hạn 90 ngày buộc Tổng Công ty 36 khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và trả lại đất đã lấn, chiếm. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi VPHC số tiền hơn 120 triệu đồng.

Vi phạm thứ hai là khai thác khoáng sản vượt công suất và vượt ranh giới cho phép, đơn vị này bị Tỉnh Nghệ An phạt tổng cộng 501,8 triệu đồng.

Ngoài việc xử phạt hành chính, Tổng Công ty 36 cũng bị đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản trong trường hợp vi phạm nhiều lần (năm 2020 Tổng Công ty 36 đã khai thác vượt công suất 128.000m3, vượt 28%).

Sau đó, vào tháng 3/2022, Tổng Công ty 36 lại xảy ra lùm xùm ở dự án tuyến đường liên xã Sơn An, Sơn Lễ, Sơn Tiến, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Không chỉ thi công tuyến đường liên xã Sơn Lễ, Sơn An, Sơn Tiến chậm tiến độ mà còn bị các nhà thầu phụ đòi nợ hàng chục tỷ đồng.

watermark_can-xem-xet-nang-luc-cua-tong-cong-ty-36-1251_20220317_696-191248

Ảnh: Báo Nông Nghiệp.

Báo Nông nghiệp đưa tin, mặc dù Ban quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Tĩnh đã cho Tổng Công ty 36 tạm ứng và giải ngân hơn 31 tỷ đồng (trong tổng vốn đầu tư của dự án hơn 80 tỷ đồng). Tuy nhiên, khối lượng thực tế thi công tại hiện trường không đạt như kỳ vọng, thậm chí chậm tiến độ rất nhiều hạng mục, vi phạm quy định hợp đồng.

Không chỉ lùm xùm về nợ nần, tiến độ, Công ty 36.32 còn chây ỳ trong việc nộp phạt chậm tiến độ hợp đồng.

Theo thông báo xử phạt lần 4 của BQL dự án, tổng số tiền lũy kế nhà thầu thi công chậm tiến độ các hạng mục công trình tháng 11/2021 là 811 triệu đồng. Cộng với số tiền phạt chậm tiến độ trước tháng 11/2021 và từ tháng 12/2021 con số phải lên đến nhiều tỷ đồng.

Vào năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản chỉ rõ loạt bất cập, sai phạm tại dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình. Tổng Công ty 36 là chủ liên danh trúng thầu của dự án này.

hoa-lac-hoa-binh-4246

Nguồn ảnh: VnEconomy

Thứ nhất, về quản lý chi phí đầu tư, kết quả kiểm tra dự toán một số nội dung lập duyệt không đúng, chưa hợp lý, như: Áp dụng giá đất đắp của địa bàn Hà Nội (68.040 đồng/m3) cho công việc thực hiện trên địa bàn Hòa Bình (gói số 7,8). Dự toán thành phần cấp phối bê tông nhựa không có căn cứ và không phù hợp với thiết kế cấp phối, tính cự ly điều phối đất tận dụng (500m) không hợp lý với phương án thi công, tính phụ cấp không ổn định sản xuất không có chế độ quy định, tính hệ số điều chỉnh chi phí tiền lương trong đơn giá ca máy không đúng căn cứ, áp dụng định mức thi công bê tông thân rảnh bằng định mức bê tông tường thẳng , bê tông xả mũ rảnh bằng định mức bê tông xả mũ mổ, mũ trụ cầu, sản xuất thép rảnh áp định mức xả, dầm.

Từ những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ cho biết, giá trị dự toán đã duyệt chênh lệch tăng gần 33,78 tỷ đồng (đường Hòa Lạc - Hòa Bình hơn 16,4 tỷ đồng, đường Xuân Mai - Hòa Bình hơn 17,3 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, dự án này được phê duyệt đầu tư ngày 16/4/2014, đến ngày 4/11/2014 mới phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán chi phí khảo sát, lập dự án. Cơ quan thanh tra phát hiện doanh nghiệp dự án ký hợp đồng với một số đơn vị thực hiện trước những công việc về xây dựng lán trại, tiếp nhận mặt bằng, cọc mốc tim tuyến trước khi có kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt là sai quy định về trình tự thủ tục tổ chức triển khai thực hiện dự án.

Thứ hai, về doanh thu chi phí, dự án đã hoàn thành phần cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình và tiến hành thu phí từ ngày 20/10/2015 theo báo cáo của doanh nghiệp dự án đạt hơn 9,566 tỷ đồng. Bình quân 233 triệu đồng/ngày đêm. Trong khi phương án tài chính hợp đồng, tính toán dùng 102 tỷ đồng từ nguồn thu phí tuyến quốc lộ 6 hỗ trợ dự án trong thời gian xây dựng, nhưng với mức thu như trên chỉ đạt 64% phương án hợp đồng, tương ứng 64 tỷ đồng. Như vậy, số thu thực tế lúc đầu là không khả thi so với phương án tài chính phê duyệt.

Vậy tình hình kinh doanh của Tổng Công ty 36 như thế nào?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ đã soát xét, trong 6 tháng đầu năm 2023, Tổng Công ty 36 ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 521,2 tỷ đồng, tăng hơn 65% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận gộp của công ty tăng 19% đạt 69,2 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Vụ cháy chung cư mini Khương Hạ: Thêm loạt chung cư mini khác của Nghiêm Quang Minh dính sai phạm

TP HCM đề xuất lập doanh nghiệp nhà nước về nhà ở xã hội

Bỏ quy định dành 20% đất của dự án làm nhà ở xã hội?

Theo Chất lượng cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/nhin-lai-nhung-lum-xum-cua-tong-cong-ty-36--don-vi-moi-bi-phat-nang-vi-chiem-dat-nong-thon-d108653.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Điểm lại những lùm xùm của Tổng công ty 36 - Đơn vị mới bị phạt nặng vì chiếm đất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS & INTECH