Bất động sản

Điểm sáng trong cải tạo không gian công cộng

Minh An 27/10/2024 - 14:38

Hoàn Kiếm là quận nội đô lâu đời nhất và có mật độ dân số cực cao. Năm 2020, mật độ dân số của Hoàn Kiếm là 39.830 người/km2, tức gấp 137,3 lần mật độ dân số toàn quốc.

Sức ép dân số càng cao càng cần có nhiều KGCC để giải tỏa “cơn khát” không gian cho người dân.

Từ năm 2004, quận Hoàn Kiếm bắt đầu thử nghiệm mô hình phố đi bộ. Nhiều hoạt động cộng đồng diễn ra trên phố như làm sân chơi cho trẻ em từ vật liệu tái chế, biểu diễn văn nghệ, không gian ẩm thực...

Sau khi thử nghiệm triển khai phố đi bộ Hàng Đào - chợ đêm Đồng Xuân vào 2 ngày nghỉ cuối tuần từ năm 2004, đến năm 2014, quận Hoàn Kiếm tiếp tục mở rộng không gian đi bộ ra các phố Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Đào Duy Từ.

Người dân tản bộ trên phố Tràng Tiền dịp cuối tuần. Ảnh: Công Hùng
Người dân tản bộ trên phố Tràng Tiền dịp cuối tuần. Ảnh: Công Hùng

Ngày 1/9/2016, TP khai trương phố đi bộ 2 ngày cuối tuần quanh Hồ Gươm và vùng phụ cận. Các tuyến phố được quy hoạch bao gồm: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lê Thái Tổ (một phần đường Lê Thái Tổ phía bên hồ Hoàn Kiếm, đoạn từ Hàng Trống đến Hàng Khay), Lê Lai (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Lê Thạch, phố Trần Nguyên Hãn (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền (đoạn từ Nhà hát Lớn Hà Nội đến Hàng Bài), Lò Sũ (Đinh Tiên Hoàng đến Nguyễn Hữu Huân), Hàng Dầu (Đinh Tiên Hoàng đến Cầu Gỗ), phố hồ Hoàn Kiếm, Lương Văn Can (đoạn từ Hàng Hành đến Lê Thái Tổ), phố Hàng Bài (đoạn từ Hai Bà Trưng đến Hàng Khay), Bảo Khánh (đoạn từ Ngõ Bảo Khánh đến Lê Thái Tổ).

Việc mở thêm không gian phố đi bộ Hồ Gươm đã tạo ra những hiệu ứng đặc biệt cho quận Hoàn Kiếm nói riêng và Hà Nội nói chung trên mọi phương diện: sức hút văn hóa, quảng bá hình ảnh và giá trị kinh tế.

Với sự hỗ trợ kỹ thuật của UN Habitat, Quỹ Hàn Quốc, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, giới nghệ sĩ mỹ thuật đương đại và cộng đồng, dự án mới đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi. Chỉ chiếm 1/10 chiều dài con phố Phùng Hưng, phố nghệ thuật đã trở thành “nơi chốn” yêu thích của cư dân Thủ đô và người dân cả nước.

Trong ngày thường hay phiên chợ hoa Tết, Trung thu... nơi đây đã trở thành điểm sinh hoạt nghệ thuật cộng đồng. Mô hình phố nghệ thuật trên đường Phùng Hưng đã tạo cảm hứng cho rất nhiều nhóm nghệ sĩ tại Hà Nội và các địa phương khác thực hiện những dự án làm đẹp đường phố bằng các tác phẩm nghệ thuật như tranh vẽ, chậu hoa, phù điêu, sắp đặt nghệ thuật...

Mở rộng hơn, dự án “Con đường nghệ thuật Phúc Tân” đã gây được tiếng vang lớn khi quy tụ được 16 nghệ sĩ thực hiện các tác phẩm dọc theo bức tường ngăn khu dân cư. Không gian từng bị TP quay lưng, bỗng nhiên trở nên hấp dẫn, sống động hơn với cả cộng đồng lẫn khách du lịch.

Bên cạnh đó, "công viên rừng" Chương Dương (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được hồi sinh từ khu đất ngập ngụa rác thải đã mang lại diện mạo mới cho khu vực này.

Một lợi ích khác của việc thiết kế công viên theo mô hình công viên rừng bờ vở sông Hồng là giảm thiểu việc bê tông hóa, tối đa hóa các yếu tố tự nhiên để tạo môi trường gần gũi với thiên nhiên nhất.

Tại đây không hề có hệ thống tường rào quây bằng bê tông mà được thiết kế mở với hệ thống hàng rào tự nhiên là cây cối. Các vật liệu được sử dụng trong thiết kế cũng là vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường.

>> Tuyến phố đi bộ gần 30 tỷ đồng tại Hà Nội vắng hoe sau hơn một tuần mở cửa

Tuyến phố đi bộ gần 30 tỷ đồng tại Hà Nội vắng hoe sau hơn một tuần mở cửa

Chính thức từ hôm nay, Hà Nội cấm đường phục vụ phố đi bộ hồ Ngọc Khánh, người dân lưu ý

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/diem-sang-trong-cai-tao-khong-gian-cong-cong.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Điểm sáng trong cải tạo không gian công cộng
    POWERED BY ONECMS & INTECH