Hiện nay, nhiều tỉnh thành đang dồn lực, quyết tâm đưa các huyện và thị xã lên thành phố trực thuộc.
Hiện nay, nhiều tỉnh thành trên cả nước được phê duyệt Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, có nhiều tỉnh sẽ đón thêm các thành phố mới.
Ngày 25/4, UBND thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập TP. Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương. Thành phố Bến Cát sẽ chính thức thành lập vào ngày 1/5 tới.
Sau khi thị xã Bến Cát chính thức lên thành phố, Bình Dương có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 4 huyện và 5 thành phố là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và Bến Cát.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Bình Dương là địa phương có nhiều thành phố nhất cả nước với năm thành phố.
>> Thành phố thứ 5 của 'thủ phủ' công nghiệp miền Nam sẽ chính thức thành lập vào ngày 1/5 tới
Xếp thứ 2 là Quảng Ninh với 4 thành phố trực thuộc là Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái và Hạ Long.
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2025, Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố là Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn và tái lập thị xã Tiên Yên. Nếu hoàn thành, Quảng Ninh sẽ là tỉnh có nhiều thành phố nhất Việt Nam.
Ngoài ra, 3 tỉnh có 3 thành phố trực thuộc là Thái Nguyên, Đồng Tháp và Kiên Giang.
13 tỉnh có 2 thành phố trực thuộc gồm: Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Hậu Giang, Tiền Giang.
Những địa phương còn lại có 1 thành phố trực thuộc.