Điều gì khiến Foxconn rút khỏi dự án “khủng” ở Ấn Độ?

15-07-2023 16:54|NGUYỄN CHUẨN

Dù đặt nhiều tham vọng khi tham gia xây dựng một trong những nhà máy sản xuất chip đầu tiên của Ấn Độ. Nhưng, có vẻ mọi thứ đã không được như kỳ vọng của gã khổng lồ công nghệ Foxconn.

>>>Có gì trong khoản đầu tư mới của Foxconn ở Việt Nam?

>>

Theo đó, mới đây nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới tuyên bố sẽ “không đi tiếp” với liên doanh trị giá 19,4 tỷ USD với Vedanta, một tập đoàn năng lượng và kim loại của Ấn Độ.

Không còn chung lối…

Tin tức này được coi là một đòn giáng mạnh vào kế hoạch của chính phủ Ấn Độ nhằm biến đất nước này thành một cường quốc sản xuất công nghệ, ngay cả khi các quan chức nước này đã tìm cách chống lại quan điểm đó.

liên doanh trị giá 19,4 tỷ USD giữa Foxcon với Vedanta đã tan rã.

Liên doanh trị giá 19,4 tỷ USD giữa Foxcon với Vedanta đã tan rã.

Trong một tuyên bố, Foxconn, nhà cung cấp hàng đầu của Apple, cho biết quyết định này dựa trên “thỏa thuận chung” và cho phép công ty “khám phá các cơ hội phát triển đa dạng hơn”. Liên doanh bây giờ sẽ thuộc sở hữu hoàn toàn của Vedanta.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố sau đó, Foxconn cũng đã tái khẳng định cam kết đầu tư vào sản xuất chip của Ấn Độ.

“Việc xây dựng các nhà máy từ đầu ở một khu vực địa lý mới là một thách thức, nhưng Foxconn cam kết sẽ vẫn đầu tư vào Ấn Độ”, công ty cho biết, đề cập đến các nhà máy chế tạo, thuật ngữ kỹ thuật cho các nhà máy bán dẫn.

“Cả hai bên đều thừa nhận rằng dự án không tiến triển đủ nhanh, có những khoảng cách thách thức mà chúng tôi không thể vượt qua một cách suôn sẻ, cũng như các vấn đề bên ngoài không liên quan đến dự án”, công ty cho biết thêm.

Có thể nói, kể từ khi công bố thỏa thuận vào tháng 2 năm 2022, Foxconn cho biết họ đã làm việc với Vedanta về kế hoạch thành lập một nhà máy bán dẫn tại quốc gia này để hỗ trợ một hệ sinh thái rộng lớn hơn cho các nhà sản xuất.

Mặc dù công ty không cung cấp con số đầu tư cho cơ sở, nhưng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tiết lộ vào tháng 9 rằng tổng số tiền đầu tư sẽ lên tới 1,54 nghìn tỷ rupee, tương đương với con số 19,4 tỷ USD.

Năm ngoái, Foxconn cho biết họ cũng đang tích cực tìm kiếm địa điểm cho nhà máy và tổ chức các cuộc thảo luận với “một số chính quyền bang”. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, mọi thứ đã không được như mong đợi, Foxconn và Vedanta đã “đường ai nấy đi” sau một thời gian không thể có bước triển khai tiếp theo.

“Cú sốc” với ngành công nghiệp Ấn Độ?

Trên thực tế, Ấn Độ được coi là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Dự báo thị trường chất bán dẫn của họ sẽ có trị giá 63 tỷ USD vào năm 2026 theo kế hoạch “Make in India” của Thủ tướng Narendra Modi khi các công ty Mỹ như Apple đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc.

Sự tan rã của liên doanh này liệu có trở thành

Sự tan rã của liên doanh này liệu có trở thành "cú sốc" với ngành công nghiệp chip Ấn Độ?

Chỉ riêng năm ngoái, theo Chương trình Semicon India, quốc gia này đã nhận được ba đơn đăng ký thành lập nhà máy, một đến từ Liên doanh Vedanta-Foxconn, một đến từ tập đoàn toàn cầu ISMC và đối tác công nghệ Tower Semiconductor và một đến từ IGSS Ventures Pte Ltd có trụ sở tại Singapore.

Tuy nhiên, trong đó dự án đến từ Liên doanh Vedanta-Foxconn đã được ca ngợi là một cột mốc quan trọng trong chiến dịch của Ấn Độ nhằm thu hút thêm đầu tư vào sản xuất, một lĩnh vực rất cần thiết để giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp. Thủ tướng Modi cũng đã coi dự án này là một sự thúc đẩy đáng kể cho nền kinh tế và việc làm.

Đối với bối cảnh, dự án này được báo cáo lần đầu tiên vào năm ngoái, nó cũng đã làm rõ rằng liên doanh đã nhận được các khoản trợ cấp, bao gồm cả chi phí vốn và điện từ Gujarat, để thành lập các đơn vị gần thành phố lớn nhất của bang phía tây, Ahmedabad. 

Khoản đầu tư 1,54 nghìn tỷ rupee (19,4 tỷ USD) là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của bất kỳ công ty nào ở một bang của Ấn Độ. Những lợi thế của nhà máy bán dẫn, trong số những lợi ích khác, bao gồm việc tạo ra hơn 100.000 việc làm ở Gujarat, Ấn Độ.

Theo kế hoạch, tập đoàn dầu mỏ Vedanta sẽ là người tài trợ cho dự án khi thành lập một đơn vị sản xuất màn hình với khoản đầu tư 945 tỷ rupee (11,95 tỷ USD) và các đơn vị sản xuất liên quan đến chip riêng biệt bằng cách đầu tư 600 tỷ rupee (7,58 tỷ USD), trong khi đó, Foxconn đóng vai trò như là một đối tác kỹ thuật.

Giờ đây liên doanh được đặt nhiều kỳ vọng đã tan rã sau khi Foxconn rút chân khỏi dự án. Các chuyên gia phân tích cho rằng đó là một “cú đánh lớn” vào ngành công nghiệp bán dẫn Ấn Độ, ngay cả khi các quan chức nước này ra sức phủ nhận điều đó.

“Cả Foxconn và Vedanta đều cam kết với chính sách “Make In India” của Thủ tướng Narendra Modi và chương trình bán dẫn của Ấn Độ. Foxconn rút khỏi liên doanh với Vedanta sẽ không ảnh hưởng đến chương trình bán dẫn của Ấn Độ”, Bộ trưởng Bộ Truyền thông, Điện tử và Công nghệ Thông tin Ashwini Vaishnaw cho biết.

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/dieu-gi-khien-foxconn-rut-khoi-du-an-khung-o-an-do-247507.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Điều gì khiến Foxconn rút khỏi dự án “khủng” ở Ấn Độ?
    POWERED BY ONECMS & INTECH