Phát hiện ‘siêu pháo đài’ 3.000 năm tuổi nhờ 11.000 bức ảnh từ drone, lớn gấp 40 lần dự đoán, khiến giới khảo cổ kinh ngạc
Đây có thể là pháo đài lớn nhất thuộc loại này trong khu vực.
Năm 2018, khi các nhà nghiên cứu khảo sát pháo đài thời đại đồ đồng trên vùng núi Nam Caucasus, họ không ngờ rằng những tàn tích nhìn thấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Sau khi sử dụng công nghệ drone để chụp hơn 11.000 bức ảnh và lập bản đồ khu vực, họ nhận ra pháo đài 3.000 năm tuổi Dmanisis Gora có thể là pháo đài lớn nhất thuộc loại này trong khu vực.
Đội nghiên cứu đã phát hiện một điểm đất cao được bảo vệ tự nhiên giữa hai hẻm núi sâu tại dãy núi Caucasus, khu vực ngăn cách châu Âu và châu Á. Pháo đài này có cả tường thành bên trong và bên ngoài, cùng với các cấu trúc đá cổ đại còn sót lại.
Tuy nhiên, quy mô của nó quá lớn để lập bản đồ bằng cách khảo sát trên mặt đất. Do đó, nhóm nghiên cứu từ Đại học Cranfield đã quyết định sử dụng công nghệ hiện đại.
“Đó là lý do khiến chúng tôi nghĩ đến việc sử dụng drone để khảo sát từ trên không”, Nathaniel Erb-Satullo, giảng viên cao cấp tại Viện Pháp y Cranfield, chia sẻ. “Drone đã chụp gần 11.000 bức ảnh, sau đó được ghép lại bằng phần mềm tiên tiến để tạo ra mô hình địa hình kỹ thuật số độ phân giải cao và các bức ảnh tổng hợp chính xác đến từng chi tiết như khi nhìn thẳng từ trên cao”.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Antiquity cho thấy khu vực này lớn gấp 40 lần so với ước tính ban đầu, với hệ thống phòng thủ gồm hai lớp tường đá tảng và vữa dày 1,8 mét, trong đó bức tường ngoài dài hơn nửa dặm.
“Kích thước vượt trội của Dmanisis Gora mở ra những góc nhìn mới về các mô hình tập trung dân cư ở khu vực Á-Âu và xa hơn”, nhóm tác giả viết trong nghiên cứu.
Khi so sánh các bức ảnh mới chụp với hình ảnh vệ tinh thời Chiến tranh Lạnh được giải mật năm 2013, nhóm Cranfield đã đánh giá toàn bộ khu định cư cổ đại và quan sát những thay đổi qua thời gian.
“Việc sử dụng drone giúp chúng tôi hiểu được tầm quan trọng của khu vực này và ghi lại dữ liệu theo cách không thể thực hiện được trên mặt đất”, Erb-Satullo cho biết. “Dmanisis Gora không chỉ là một phát hiện quan trọng cho khu vực Nam Caucasus mà còn có ý nghĩa rộng hơn về sự đa dạng trong cấu trúc của các khu định cư lớn và quá trình hình thành của chúng”.
Theo các nhà nghiên cứu, hai tường thành của pháo đài được xây dựng từ đá tảng thô và vữa, dày khoảng 1,8 mét, đóng vai trò bảo vệ khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài.
“Nếu thành bên trong và khu định cư bên ngoài được sử dụng cùng thời kỳ như chúng tôi giả định, thì khu vực này sẽ là một trong những khu định cư lớn nhất được biết đến ở Nam Caucasus vào cuối thời đại đồ đồng và đầu thời đại đồ sắt”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Họ cũng nhận định rằng Dmanisis Gora đã tiếp tục mở rộng khi các nhóm chăn nuôi du mục gia nhập khu định cư. Tuy nhiên, một phần dân số có thể chỉ cư trú theo mùa, vì bên trong tường thành ngoài có rất ít hiện vật, cho thấy đây là khu vực ít dân cư hơn. Điều này đồng nghĩa với việc pháo đài có thể chỉ được sử dụng vào những thời điểm nhất định trong năm.
Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ tiếp tục tìm hiểu để xác định chức năng của từng khu vực, đồng thời nghiên cứu mật độ dân cư, sự di chuyển của gia súc và các hoạt động nông nghiệp.
Hiện tại, công việc khai quật tại khu vực này vẫn đang diễn ra. Các nhà nghiên cứu ước tính có “hàng chục ngàn” mảnh gốm, xương động vật và các hiện vật khác nằm dưới lớp tường đá.
Erb-Satullo tin rằng việc tìm hiểu Dmanisis Gora sẽ góp phần kể lại câu chuyện về các xã hội cuối thời đại đồ đồng và đầu thời đại đồ sắt, cũng như cquá trình hình thành của các khu định cư quy mô lớn trong thời kỳ này.
Theo Yahoo News
>> Hiểm họa từ 178.000 lít chất thải phóng xạ trong căn cứ quân sự tuyệt mật của Mỹ ở Greenland