Chuyển động thị trường

10 cổ phiếu đầu ngành được chuyên gia ‘chọn mặt gửi vàng’ trong năm 2025

Nhật Hà 17/01/2025 - 15:35

Trong năm 2025, chuyên gia dự báo VN-Index sẽ biến động mạnh với một đợt điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi thị trường tăng trưởng ổn định trở lại trong trung và dài hạn.

Với định hướng dịch chuyển mạnh mẽ từ các ngành nghề truyền thống là ngân hàng, bất động sản và các lĩnh vực liên quan bất động sản sang lĩnh vực có hàm lượng khoa học, công nghệ cao để dịch chuyển cơ cấu kinh tế tương tự như Trung Quốc, Nhật Bản. Chứng khoán SHS kỳ vọng Việt Nam có thể tận dụng làn sóng thứ 6 về đổi mới công nghệ để phát triển thần tốc như các con hổ châu Á từng làm được.

Do đó, trong năm 2025, nhóm phân tích dự báo VN-Index sẽ biến động mạnh với một đợt điều chỉnh mạnh từ 15-20% trước khi thị trường tăng trưởng ổn định trở lại trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, các cổ phiếu có cơ bản tốt đang ở nền giá cao, trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc xác định cơ hội đầu tư.

10 cổ phiếu đầu ngành được chuyên gia ‘chọn mặt gửi vàng’ trong năm 2025
Nguồn: Chứng khoán SHS

Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (ACV)

Năng lực vận tải gia tăng từ năm 2025: giai đoạn 1 của sân bay Long Thành dự kiến đi vào hoạt động năm 2027, với sức chứa 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa. ACV là đơn vị phát triển cơ sở hạ tầng đường băng và sân đỗ cho dự án này, sẽ có doanh thu từ phí cất hạ cánh tại Long Thành. Đồng thời, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất hiện đã hoàn thành 80% tiến độ và dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 5/2025, góp phần gia tăng năng lực vận tải của ACV. Các dự án này sẽ tạo thành cụm cảng lớn ở phía Nam, đẩy mạnh sự phát triển của ngành hàng không nói riêng và kinh tế khu vực nói chung.

Đầu tư mở rộng và hiện đại hóa: ACV đang triển khai các dự án nâng cấp và mở rộng: nhà ga T2 Nội Bài, sân đỗ Đồng Hới, và nhà ga hàng hóa Cát Bi... Trong năm 2025, ACV kỳ vọng sẽ đưa vào khai thác các nhà ga mới, đồng thời xác định tài sản khu bay để tăng vốn Nhà nước.

Tổng CTCP Bưu chính Viettel (VTP)

VTP đang tăng tốc mạnh mẽ giữa làn sóng bùng nổ thương mại điện tử. Với sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử, ngành logistics Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 14 - 16%/năm trong những năm gần đây, đạt quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm. Trong bối cảnh đó, VTP vững vàng giữ vị thế dẫn đầu trên thị trường chuyển phát nhanh.

VTP đang chuyển mình & bước vào giai đoạn tăng trưởng mới. Giai đoạn năm 2019 - 2023, VTP đạt mức tăng trưởng doanh thu kép hàng năm (CAGR) ấn tượng ở mức 25,8%. Theo dự báo của SHS, doanh thu và lợi nhuận của VTP sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2025 - 2030, với CAGR lần lượt đạt 25,3% và 34%.

>> Viettel Post (VTP) thành lập công ty logistics tại Quảng Tây, Trung Quốc

Tổng CTCP Công trình Viettel (CTR)

Mảng Towerco tiếp tục tăng trưởng mạnh và còn nhiều dư địa để phát triển, giữ vững vị thế là nhà cung cấp dịch vụ Towerco số 1 Việt Nam. SHS dự báo CTR sẽ xây dựng thêm 3.500 - 4.000 trạm BTS vào năm 2025. Tỷ lệ dùng chung tăng lên mức 1,05 trong năm 2025.

Mảng xây lắp sẽ tiếp tục được thúc đẩy và tăng trưởng trong năm 2025 nhờ: (i) tiếp tục thực hiện backlog dự án xây dựng dân dụng đã ký vào năm 2024, (ii) cơ hội củng cố thêm thị phần khi các đối thủ nhỏ khác gặp khó khăn, đặc biệt trong phân khúc dân dụng B2C, (iii) nỗ lực mở rộng lĩnh vực kinh doanh xây dựng sang các dự án hạ tầng và dự án ngân sách Nhà nước.

Triển vọng chuyển đổi trong công nghệ viễn thông từ 4G và 5G hỗ trợ mảng Towerco: SHS kỳ vọng nhu cầu tăng cường vùng phủ sóng tín hiệu 4G từ các công ty viễn thông sẽ tăng lên sau khi tắt sóng mạng 2G vào tháng 9/2024 và mạng 3G vào cuối năm 2026, theo mục tiêu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

CTCP FPT (FPT)

Xu hướng đẩy mạnh chi tiêu cho công nghệ thông tin trên toàn cầu tiếp tục diễn ra trong năm 2025 sẽ là động lực cho mảng dịch vụ công nghệ tại thị trường nước ngoài của FPT. Chiến lược M&A các công ty công nghệ tại nước ngoài đang phát huy hiệu quả trong việc giúp FPT có được các hợp đồng từ các công ty lớn (hợp đồng 250 triệu USD mới ký với đối tác trong ngành ô tô), qua đó đảm bảo sự tăng trưởng mạnh của mảng này trong các năm tới.

Xu hướng ứng dụng AI vào các lĩnh vực của đời sống đang tăng nhanh và chiến lược hợp tác với Nvidia mở 2 AI Factory của FPT dự báo sẽ thu hút được nhu cầu thuê các dịch vụ liên quan, đặc biệt tại thị trường Nhật Bản.

Chủ trương lấy công nghệ làm bước đột phá tăng trưởng của Chính phủ, chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và hệ thống pháp luật liên quan được hoàn thiện sẽ là động lực cho sự phát triển các hoạt động công nghệ trong nước.

Nhu cầu về đào tạo mới, nâng cấp các kỹ năng để thích ứng với sự thay đổi do khoa học công nghệ tạo ra sẽ tăng lên. Với việc sở hữu trung tâm công nghệ cao, hệ thống các trường cao đẳng nghề, trường đại học, mảng đào tạo được dự báo sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào kết quả kinh doanh của FPT trong các năm tới.

10 cổ phiếu đầu ngành được chuyên gia ‘chọn mặt gửi vàng’ trong năm 2025
Diễn biến giá cổ phiếu FPT

>> Chủ tịch Trương Gia Bình cam kết đến năm 2030, FPT sẽ xây dựng 5 nhà máy AI trên toàn cầu

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (CTG)

Tăng trưởng tín dụng dự báo tiếp tục tích cực trong giai đoạn 2025-2026: Xu hướng đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ bản và cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng hỗ trợ tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng TMCP Nhà nước.

Chất lượng tài sản tiếp tục cải thiện: SHS nhận thấy xu hướng tích cực ở chất lượng tài sản và dự báo chi phí dự phòng sẽ giảm trong năm 2025.

Nhóm phân tích kỳ vọng CTG sẽ được NHNN chấp thuận tăng vốn trong năm 2025. Nhu cầu tăng vốn của CTG là cấp thiết trước thực tế quy mô tín dụng đang mở rộng nhanh chóng và hệ số CAR thuộc nhóm thấp nhất hệ thống.

Định giá cổ phiếu hấp dẫn so với vị thế và hiệu quả hoạt động. Với mức giá hiện tại và dự báo lợi nhuận 2025, P/B forward của CTG là 1,15x, mức hấp dẫn để đầu tư.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB)

Tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức cao: TCB là một trong những ngân hàng được “nới room” tín dụng vào cuối năm, cụ thể hạn mức được điều chỉnh từ 16 đến 18,4% sẽ giúp TCB có thêm dư địa cho vay trong giai đoạn cận Tết, khi nhu cầu tín dụng thị trường đột biến. SHS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của TCB sẽ duy trì quanh ngưỡng 23 - 24% cho giai đoạn 2025 - 2027.

Lợi thế vốn rẻ nhờ tỷ lệ CASA luôn duy trì trong top đầu trong nhiều năm. Để thu hút tiền gửi khách hàng, TCB luôn đa dạng hóa các chính sách huy động. Việc tận dụng được nguồn vốn giá rẻ sẽ giúp TCB giảm bớt áp lực trích lập dự phòng trong bối cảnh TT02 hết hạn.

CTCP Chứng khoán SSI (SSI)

SHS kỳ vọng dòng tiền khối ngoại gia tăng với chất xúc tác mang tên “nâng hạng thị trường”. FTSE Russel nhiều khả năng sẽ công bố nâng hạng cho Việt Nam lên thị trường mới nổi vào kỳ tháng 9/2025, việc triển khai thực tế có thể diễn ra từ tháng 3/2026. Giá trị vốn hóa thị trường ròng của Việt Nam ở mức 43 tỷ USD theo ước tính từ FTSE Russell, tổng vốn vào ròng có thể đạt mức cao 1,6 tỷ USD sau nâng hạng (chưa tính các quỹ chủ động). SHS kỳ vọng SSI sẽ cải thiện hoạt động kinh doanh trước làn sóng vốn mới và có thể được xem xét vào rổ FTSE EM, ngoài ra còn có VND, VCI và HCM.

Giữ vững vị trí số 2 về thị phần môi giới toàn ngành: Với vị thế sẵn có về công nghệ, nhân sự và sản phẩm, doanh thu môi giới của SSI vẫn có sự gia tăng và giữ vững vị trí số 2 về thị phần qua nhiều năm chỉ sau VPS. Nhóm phân tích cho rằng SSI sẽ được hưởng lợi và giữ vững thị phần nhờ tệp khách hàng lớn, đặc biệt khi hệ thống KRX được vận hành và TTCK được nâng hạng.

CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC)

SHS kỳ vọng giá phốt pho vàng (P4) và các sản phẩm gốc phốt pho của DGC bước vào xu hướng tăng kể từ năm 2025. Động lực tăng giá chính đến từ nhu cầu AI, bán dẫn & pin xe điện trong khi hàng tồn kho của các khách hàng chính trong khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn độ) sụt giảm mạnh.

Sản phẩm P4 và axit của DGC có độ tinh khiết cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, mang lại lợi nhuận sau thuế đều đặn khoảng 3.500 - 4.000 tỷ đồng/năm từ năm 2025.

Động lực tăng trưởng dài hạn đến từ dự án Hóa chất Nghi Sơn và dự án Cồn Đức Giang: (i) dự án Cồn Đức Giang ước tính sẽ đi vào hoạt động từ quý I/2025, mang lại 800 - 1.200 tỷ đồng doanh thu cho DGC với biên lợi nhuận gộp 10 - 13%, (ii) dự án Hóa Chất Nghi Sơn giai đoạn 1 bắt đầu hoạt động thương mại từ quý I/2026, đóng góp 1.200 - 1.700 tỷ đồng doanh thu với biên lợi nhuận gộp 15 - 17%.

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG)

Dự án Dung Quất 2 sau khi hoàn thành toàn bộ vào cuối năm 2025 sẽ tăng công suất HRC của HPG thêm 2,86 lần (8,6 triệu tấn) và củng cố vị thế doanh nghiệp đầu ngành của HPG. Năng lực sản xuất HRC lớn nhất tại Việt Nam sẽ giúp HPG gia tăng sản lượng bán hàng trong nước khi cung không đáp ứng đủ cầu đồng thời tăng khả năng sản xuất các sản phẩm thép đặc biệt có chất lượng và giá trị gia tăng cao.

Hưởng lợi từ các dự án đầu tư công trong nước và thép HRC nhập khẩu có thể bị áp thuế chống bán phá giá: Kết quả điều tra chống bán phá giá HRC từ Trung Quốc và Ấn Độ sẽ được công bố trong năm 2025 và nếu bị áp thuế sẽ hỗ trợ cho việc bán hàng của HPG trong bối cảnh đầu tư công được đẩy mạnh để hỗ trợ tăng trưởng.

Cơ hội nếu thép Trung Quốc bị áp thuế cao tại Mỹ: Chính quyền mới của Mỹ dự kiến sẽ áp thuế lên các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc (hiện tại thép đang chịu thuế 25%) có thể làm tăng 1.400 nhu cầu từ các thị trường khác để bù đắp thiếu hụt.

Triển vọng dài hạn từ cơ hội tham gia cung ứng thép cho dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam: Dự án đường sắt dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm 2027 sẽ tạo ra nhu cầu khoảng 6 triệu tấn thép các loại mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước trong đó có HPG.

10 cổ phiếu đầu ngành được chuyên gia ‘chọn mặt gửi vàng’ trong năm 2025
Diễn biến giá cổ phiếu HPG

>> Hòa Phát (HPG) sắp chạy thử phân kỳ I siêu dự án 85.000 tỷ đồng vào đầu năm 2025

CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP)

Việt Nam còn nhiều dư địa để thu hút FDI nhờ giá điện sản xuất và chi phí nhân công cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Chiến lược “Trung Quốc + 1” đã và đang tạo ra xu hướng dịch chuyển của các nhà sản xuất lớn sang Việt Nam. Xu hướng này bắt nguồn từ chi phí lao động tăng cao tại Trung Quốc, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và tác động của đại dịch Covid-19 lên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong số các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đang hoạt động tại miền Nam, SIP sở hữu quỹ đất thương phẩm còn lại lớn nhất với 1.034ha. Trong đó, KCN Phước Đông (772ha) nằm ở Tây Ninh, KCN Lộc An – Bình Sơn (133ha) nằm sát Sân bay Long Thành – Đồng Nai, KCN Lê Minh Xuân 3 (106ha) và KCN Đông Nam (23ha) nằm ở TP. HCM.

SIP là một trong số ít các doanh nghiệp phát triển KCN được cấp phép xây trạm biến áp (TBA) và cấp điện cho các KCN, nhờ vậy mảng cung cấp điện có biên LNG khá tốt (khoảng 6%). Mảng cung cấp dịch vụ tiện ích KCN là mảng đóng góp tới 66% lợi nhuận gộp của SIP.

SIP có tình hình tài chính lành mạnh và tỷ lệ chi trả cổ tức cao trên mệnh giá. Trong giai đoạn 2020 - 2023, SIP luôn duy trì tỷ lệ cổ tức tiền mặt trung bình 20 - 50%/mệnh giá.

>> 169 cổ phiếu bị cắt margin trong quý I/2025

Dự án tại khu 'đất vàng' Giảng Võ của công ty 'nhà' Vingroup (VIC) có bước tiến pháp lý quan trọng

Cổ phiếu Novaland (NVL) ‘ngừng rơi’ trước tin tích cực từ dự án Novaworld Phan Thiết

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/10-co-phieu-dau-nganh-duoc-chuyen-gia-chon-mat-gui-vang-trong-nam-2025-271996.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    10 cổ phiếu đầu ngành được chuyên gia ‘chọn mặt gửi vàng’ trong năm 2025
    POWERED BY ONECMS & INTECH