Quý 3/2022, Digiworld (DGW) đã ký hợp đồng hợp tác với Nova Service và đây được đánh giá là một động lực cho tăng trưởng doanh số của Công ty.
Trong báo cáo đánh giá về triển vọng của CTCP Thế giới số - Digiworld (HOSE: DGW) mới đây, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định DGW sẽ khó bứt phá trong thời gian tới.
Trước đó, DGW lên kế hoạch kinh doanh quý 4/2022 với 7.500 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 5,3% và 300 tỷ đồng lợi nhuận ròng, giảm 8,3% so với cùng kỳ từ nền cao kỷ lục quý 4/2021 với mục tiêu.
Theo chuyên gia của BVSC, DGW đang giả định biên lợi nhuận ròng quý 4 mở rộng lên 4% nhờ: iPhone 14 có biên lợi nhuận cao ở đầu chu kỳ; tối ưu OpEx; và một số khoản hoàn nhập dự phòng. Doanh thu DGW chủ yếu được hỗ trợ bởi doanh thu ĐTDĐ, gồm Xiaomi và iPhone 14 series; và đóng góp lần đầu từ TV Xiaomi, và Whirlpool.
Tuy nhiên kế hoạch trên có vẻ tham vọng tại thời điểm hiện nay, khi triển vọng quý cuối năm nay có vẻ ảm đạm do nhu cầu suy giảm và vấn đề nguồn cung. BVSC cho rằng việc khan hiếm nguồn cung iPhone 14 pro và promax là do chính sách zero-Covid của Trung Quốc đã tác động lên các hoạt động sản xuất, việc hạn hẹp nguồn cung chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến sản lượng tiêu thụ.
Ngoài ra, chênh lệch cung-cầu làm tăng giá bán và mở rộng biên lợi nhuận, phần nào hỗ trợ lợi nhuận ròng dù tác động thuần vẫn tiêu cực, ít nhất là trong ngắn hạn.
Đối với năm 2023, BVSC nhận định lợi nhuận ròng DGW giảm tốc do triển vọng kém lạc quan. BVSC dự báo doanh thu thuần năm 2023 của công ty giảm 5% so với năm 2022 xuống 21.941 tỷ đồng; lợi nhuận ròng giảm 13% xuống 638,3 tỷ đồng.
BVSC kỳ vọng Xiaomi và Apple tiếp tục đạt hiệu quả vượt trội thị trường nhờ lợi thế cạnh tranh sẵn có, duy trì là động lực chính cho DGW. Triển vọng 2023 sẽ thách thức hơn, trong bối cảnh vĩ mô khó khăn hơn (áp lực lạm phát, biến động tỷ giá và môi trường lãi suất tăng) và vấn đề nguồn cung gần đây, tác động kém tích cực lên sức mua của người tiêu dùng.
Mặc dù triển vọng ngắn hạn (6 tháng đầu năm 2023) kém lạc quan do hiệu ứng nền cao; nhưng BVSC cho rằng việc nới lỏng chính sách zero-Covid với nguồn cung là một catalyst (chất xúc tác) và do đó nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát kỹ lưỡng.
Trong khi đó, tại buổi gặp mặt nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo Digiworld tự tin cho biết sẽ giới thiệu các model, sản phẩm cao cấp đến người tiêu dùng và đảm bảo mức tăng trưởng 2 chữ số. Được biết, từ quý 3/2022, Digiworld đã ký hợp đồng hợp tác với Nova Service và đây được đánh giá là một động lực cho tăng trưởng doanh số của công ty.
Theo đó, khách hàng mua bất động sản của Tập đoàn Nova sẽ được nhận voucher mua hàng của Digiworld, hoặc công ty sẽ cung cấp các sản phẩm điện tử khi dự án đã hoàn thiện.
Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về “bí kíp” để Digiworld có thể đạt mức tăng trưởng liên tục trên 30%/năm khi sức mua giảm, ông Việt chia sẻ đã thống nhất kế hoạch doanh thu với những nhà cung cấp lớn nhất của công ty là Apple và Xiaomi. Sản phẩm từ 2 nhà cung cấp này hiện chiếm 60% - 65% doanh thu của Digiworld.
Ở một diễn biến khác, mới đây, Digiworld đã lên tiếng về việc DGW "nằm sàn" nhiều phiên, khẳng định lãnh đạo không bao giờ bán cổ phiếu.
DGW cho rằng việc giá cổ phiếu giảm mạnh trong thời gian qua đến từ ảnh hưởng chung của thị trường chứng khoán. Công ty khẳng định hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của Công ty vẫn bình thường.
Ngày 7/11 vừa qua, HĐQT DGW đã thông qua nghị quyết về phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Theo đó, Công ty dự kiến phát hành 4 triệu cổ phiếu thưởng cho người lao động theo danh sách do HĐQT quyết định với giá bán 10.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện dự kiến vào quý 4/2022 và 1/2023.
Quốc hội ‘chốt’ thuốc được bán online, cơ hội nào cho cổ phiếu bán lẻ?
Bộ đôi chiến lược giúp Digiworld xuất sắc lọt Top 10 doanh nghiệp quản trị công ty tốt nhất năm 2024