Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Khơi thông gần 3.000 dự án BĐS vướng mắc để kích hoạt nguồn vốn 235 tỷ USD
Tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025, Chính phủ và các hiệp hội doanh nghiệp cùng đề xuất loạt giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, nhằm khơi thông hàng nghìn dự án, kiểm soát giá bất động sản và thúc đẩy tăng trưởng.
Tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Chính trị ngay từ đầu năm đã yêu cầu rà soát và sửa đổi đồng bộ ba nhóm luật là Luật Đất đai, Luật Quy hoạch và Luật Đầu tư công. Đây là ba trụ cột pháp lý đang làm chậm dòng chảy đầu tư, khiến nhiều nguồn lực bị chôn vùi trong các dự án đình trệ.
“Hiện có gần 2.880 dự án trên cả nước đang gặp vướng mắc pháp lý, với tổng diện tích đất khoảng 340.000ha và tổng vốn đầu tư lên tới 235 tỷ USD. Nhiều dự án đã dừng 5 đến 15 năm, gây lãng phí lớn về cả đất đai lẫn nguồn vốn” - Phó Thủ tướng nói.
Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương phân loại và xử lý dứt điểm các dự án bị “treo”, đồng thời lên kế hoạch trình Quốc hội sửa đổi đồng loạt các luật liên quan trong kỳ họp tháng 10 tới. “Nếu giải phóng được các điểm nghẽn này, nền kinh tế sẽ có thêm nguồn lực cực lớn để tăng tốc trong các năm tiếp theo” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Song song với đó, Chính phủ tiếp tục xem đầu tư công là đầu kéo chủ lực, dẫn dắt các dòng vốn tư nhân và xã hội vào các lĩnh vực hạ tầng và công nghiệp trọng điểm.

Phải xử lý tận gốc cơ chế định giá đất
Đồng tình với quan điểm cần tháo gỡ thể chế, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam chỉ ra rằng bất động sản và xây dựng đang chiếm khoảng 10% - 12% GDP, đóng vai trò then chốt trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay. Tuy nhiên, giá đất đang trở thành rào cản lớn cho sự phát triển.
Theo ông Hiệp, Luật Đất đai 2024 đã tạo điều kiện thuận lợi bước đầu, nhưng cách định giá đất ở nhiều địa phương vẫn còn bất cập. “Việc lấy kết quả đấu giá đất, vốn dễ bị đẩy giá cao làm cơ sở tính giá đất cho các dự án là không hợp lý, dẫn đến chi phí đầu vào tăng vọt, đẩy giá nhà leo thang” - ông nói. Chẳng hạn, giá căn hộ trung bình tại Hà Nội đã tăng từ khoảng 55 triệu đồng/m² năm 2022 lên hơn 120 triệu đồng/m² hiện nay.
Một tồn tại khác là sự lẫn lộn giữa đấu giá và đấu thầu quyền sử dụng đất. Nhiều địa phương yêu cầu doanh nghiệp nộp ngân sách khi chưa xác định rõ giá đất hay chi phí đền bù, khiến nhà đầu tư “ôm rủi ro kép”. Phương pháp thặng dư trong Nghị định 71 cũng chưa có hướng dẫn áp dụng cụ thể, dẫn đến nhiều dự án bị chậm tiến độ chỉ vì khâu định giá.
Hiệp hội kiến nghị cần xác lập rõ khái niệm "giá đất thị trường", tách bạch giữa thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Đồng thời, bảng giá đất phải được xây dựng một cách bài bản, có cơ sở khoa học và tính đồng bộ trên toàn quốc.

Riêng với các dự án hạ tầng trọng điểm như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Hiệp cho rằng nhà thầu trong nước hiện chưa đủ năng lực để đảm đương gói thầu lớn nếu không có mô hình liên kết. Ông đề xuất Chính phủ sớm cho phép thành lập “tổ hợp nhà thầu” - tập hợp nhiều doanh nghiệp trong nước để nâng sức cạnh tranh và làm chủ các công trình quy mô lớn.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề xuất thay đổi phương pháp quản lý chi phí xây dựng, chuyển từ đơn giá chi tiết sang đơn giá tổng hợp (theo m³ bê tông, mét cầu, km đường…), đồng thời cần thống nhất cơ chế giữa các dự án vốn ngân sách và vốn tư nhân để tạo sân chơi bình đẳng. Ông Hiệp cũng không quên nhấn mạnh việc nâng đơn giá tiền lương ngành xây dựng và đầu tư mạnh hơn vào đào tạo nhân lực kỹ thuật để sẵn sàng cho các đại dự án sắp tới.
Giá bất động sản Hà Nội có thể giảm trong thời gian tới
Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng giá bất động sản leo thang hiện nay chủ yếu do thiếu nguồn cung và sự chậm trễ trong khơi thông các dự án. Ông dẫn chứng, nếu Hà Nội tháo gỡ được các vướng mắc, chỉ sau 1 tháng, giá bất động sản sẽ giảm tự nhiên mà không cần thêm chính sách can thiệp.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn theo ông Thân là cần tạo ra một thị trường đất đai minh bạch, linh hoạt. Việc định giá quyền sử dụng đất hiện nay là cực kỳ khó, do không có công thức cố định và thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Để tháo gỡ, ông Thân đề xuất hai phương án:
Thứ nhất, cho phép đất đai được giao dịch tự do theo giá thị trường, Nhà nước thu một khoản cố định. “Giá tăng thì thu cao, giá giảm thì thu thấp, phù hợp với từng khu vực” - ông giải thích.
Thứ hai, doanh nghiệp được phép nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng, thay vì dồn một khoản lớn ngay từ đầu. Cách làm này sẽ giúp giảm áp lực tài chính, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư trở lại vào hạ tầng, tạo ra dòng vốn xoay vòng hiệu quả hơn.
“Chỉ khi doanh nghiệp bớt gánh nặng và được tiếp cận đất một cách minh bạch, thị trường bất động sản mới có thể phát triển lành mạnh và bền vững” - ông kết luận.