Chứng khoán

‘Dính bẫy’ đòn bẩy tài chính, Xây dựng Hòa Bình (HBC) ngập trong nợ, gần mất sạch vốn và kế hoạch ‘thoát hiểm’

Hải Băng 06/04/2024 12:59

Tích góp 37 năm, thời kỳ đỉnh cao năm 2021, vốn chủ sở hữu của Xây dựng Hòa Bình (HBC) lên hơn 4.200 tỷ đồng. Chỉ sau 2 năm, hiện tại HBC còn 93,4 tỷ đồng vốn chủ và gánh khoản nợ phải trả 15.249,9 tỷ đồng.

Xây dựng Hòa Bình - Vốn gần mất sạch, mắc kẹt trong đống nợ

‘Dính bẫy’ đòn bẩy tài chính, Xây dựng Hòa Bình (HBC) ngập trong nợ, gần mất sạch vốn và kế hoạch ‘thoát hiểm’
Trong 2 năm, vốn chủ sở hữu của Hòa Bình từ hơn 4.200 tỷ đồng (tích góp 37 năm) giảm về còn 93,4 tỷ đồng

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) vừa công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 và sẽ trình cổ đông phê duyệt vào kỳ Đại hội cổ đông thường niên diễn ra ngày 25/4 sắp tới.

Năm nay, HBC đặt mục tiêu doanh thu 10.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng. Vào năm 2023, HBC cũng đặt mục tiêu kinh doanh có lãi, tuy nhiên kết quả lại không như mong đợi khi doanh thu thuần là 7.537,1 tỷ đồng đạt 60% kế hoạch, giảm 46,7% svck và lỗ sau thuế hợp nhất 1.115,3 tỷ đồng. Trước đó, năm 2022, Hòa Bình cũng lỗ 2.609,8 tỷ đồng.

Tại thời điểm ngày 31/12/2023, quy mô tài sản của HBC là 15.249,9 tỷ đồng, tuy nhiên, vốn chủ sở hữu chỉ vỏn vẹn 93,4 tỷ đồng, còn lại 15.156,5 tỷ đồng là nợ phải trả (gấp 162,3 lần vốn chủ sở hữu).

Vốn chủ sở hữu của Hòa Bình lên cao nhất vào ngày 31/12/2021 đạt 4.226,2 tỷ đồng, đây cũng là thành quả sau 37 năm tích góp của doanh nghiệp (Hòa Bình khởi nghiệp từ Văn phòng Xây dựng Hòa Bình vào năm 1987). Như vậy, tròn 2 năm ngắn ngủi, thành quả trên gần như tan biến sạch kèm lượng lớn nợ khó xử lý.

‘Dính bẫy’ đòn bẩy tài chính, Xây dựng Hòa Bình (HBC) ngập trong nợ, gần mất sạch vốn và kế hoạch ‘thoát hiểm’
Vào đầu năm 2023, cựu Thành viên HĐQT, ông Nguyễn Công Phú cho biết, HBC chỉ còn 23 tỷ đồng khả dụng, đối với quy mô doanh thu 15.000 tỷ đồng, đây là 1 điều kinh khủng

Sự sụp đổ nhanh chóng bởi Hòa Bình sử dụng nhiều nợ vay (đòn bẩy tài chính) cho mục đích phát triển doanh nghiệp và bị chiếm dụng vốn bởi đặc thù của ngành xây dựng là làm trước và thanh toán sau.

Trong môi trường kinh tế thuận lợi, nguồn vốn trên giúp Hòa Bình nhanh chóng mở rộng kinh doanh bởi có thể nhận cùng lúc nhiều dự án và nhận được các dự án lớn. Các đối tác làm ăn thuận lợi, Hòa Bình có dòng tiền quay trở lại để đảm bảo nguồn vốn luôn được lưu thông.

Tuy nhiên, đây cũng là con dao 2 lưỡi. Trong bối cảnh thị trường biến động, lãi suất tăng cao, Hòa Bình gặp khó bởi gánh khoản lãi vay lớn và khó thu hồi công nợ từ khách hàng. Đặc biệt, giai đoạn năm 2022, nhóm doanh nghiệp bất động sản bị “bóp” nguồn vốn từ nhiều phía gồm: ngân hàng hạn chế cho vay, siết thị trường trái phiếu và chứng khoán giảm sâu.

“HBC chỉ còn 23 tỷ đồng khả dụng, đối với quy mô doanh thu 15.000 tỷ đồng, đây là 1 điều kinh khủng” - cựu Thành viên HĐQT, ông Nguyễn Công Phú cho biết vào đầu năm 2023.

Đến ngày 31/12/2023, khoản phải thu của Hòa Bình là 10.669,8 tỷ đồng (chiếm 70% tổng tài sản), doanh nghiệp phải trích lập dự phòng 2.476 tỷ đồng nợ khó đòi. Trong khi đó, nợ phải trả của Hòa Bình là 15.156,5 tỷ đồng (nợ vay là 4.718,3 tỷ đồng).

Kế hoạch ‘thoát hiểm’ - Cầm cố tài sản lãnh đạo và phát hành cổ phiếu

‘Dính bẫy’ đòn bẩy tài chính, Xây dựng Hòa Bình (HBC) ngập trong nợ, gần mất sạch vốn và kế hoạch ‘thoát hiểm’
Tài sản của vợ ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT được mượn để làm tài sản đảm bảo với ngân hàng

Mới đây, Hòa Bình thông qua phương án sử dụng tài sản cá nhân của lãnh đạo doanh nghiệp là ông Nguyễn Văn Tịnh - Người phụ trách quản trị công ty và bà Bùi Ngọc Mai (vợ ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT) để làm tài sản đảm bảo với ngân hàng, HBC sẽ trả phí 3%/năm.

Tiếp đến, Hòa Bình dự kiến phát hành và chào bán 274 triệu cổ phiếu để trả nợ đối tác và ngân hàng qua 2 phương án:

Phương án 1 - Phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ. Hòa Bình sẽ phát hành 74 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp cho các chủ nợ là nhà thầu cung cấp, nhà thầu phụ và nhà sản xuất của công ty. Theo đó, 10.000 đồng nợ sẽ đổi lấy 1 cổ phiếu.

Phương án 2 - Chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Hòa Bình sẽ phát hành 200 triệu cổ phiếu giá 12.000 đồng/cp để chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Số tiền 2.400 tỷ đồng huy động được dùng để thanh toán các khoản nợ tại ngân hàng. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.

‘Dính bẫy’ đòn bẩy tài chính, Xây dựng Hòa Bình (HBC) ngập trong nợ, gần mất sạch vốn và kế hoạch ‘thoát hiểm’
Hòa Bình sẽ chào bán 274 triệu cổ phiếu giá cao hơn giá thị trường và giá trị sổ sách

Cả 2 phương án trên đều được Hòa Bình dự kiến thực hiện trong năm 2024 - 2025. Nếu thành công, Hòa Bình sẽ giảm nợ ở phía nhà thầu là 740 tỷ đồng và giảm nợ ở ngân hàng 2.400 tỷ đồng. Đồng thời, số cổ phiếu lưu hành trên thị trường tăng gấp đôi lên 548,1 triệu cổ phiếu.

Điểm đáng chú ý, là tính tới ngày 31/12/2023, cổ phiếu HBC chỉ có giá trị sổ sách là 207,5 đồng/cp. Trên thị trường chứng khoán, kết phiên ngày 5/4, HBC có thị giá 8.110 đồng/cp. Như vậy, nhà đầu tư mua cổ phiếu riêng lẻ giá 10.000 - 12.000 đồng sẽ mua cao hơn 47 - 57 lần giá trị sổ sách và 23,3% - 48% giá thị trường.

>> 'Xây lâu đài trên cát', Hòa Bình (HBC) dùng 2 năm để 'xô đổ' thành quả tích góp 15 năm

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) chậm đóng 14 tháng BHXH cho người lao động

Hòa Bình (HBC) bắt tay với đối tác lớn, thâm nhập thị trường xây dựng quy mô 172 tỷ USD

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dinh-bay-don-bay-tai-chinh-xay-dung-hoa-binh-hbc-ngap-trong-no-gan-mat-sach-von-va-ke-hoach-thoat-hiem-229666.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    ‘Dính bẫy’ đòn bẩy tài chính, Xây dựng Hòa Bình (HBC) ngập trong nợ, gần mất sạch vốn và kế hoạch ‘thoát hiểm’
    POWERED BY ONECMS & INTECH