Định danh trên mạng xã hội - Cần thiết để nâng cao trách nhiệm người sử dụng
Xoay quanh nội dung Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, theo chuyên gia, đây là việc làm cần thiết...
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP (Nghị định 72) về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Tại tờ trình, Bộ TT&TT nêu rõ, Luật An ninh mạng đã có các quy định cụ thể, doanh nghiệp (trong và ngoài nước) cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm “xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số” và “cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an, khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng”, tuy nhiên, do chưa có quy định hướng dẫn Luật An ninh mạng về nội dung này nên các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội chưa thể triển khai.
Thực tế quản lý cho thấy, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tang, việc bổ sung quy định mạng xã hội cung cấp xuyên biên giới phải xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động tại Việt Nam khi đăng ký thiết lập tài khoản mạng xã hội được cho là cần thiết. Đặc biệt, quy định mới sẽ giúp bảo đảm hiệu quả quản lý; đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dùng mạng xã hội khi đăng thông tin lên mạng.
Theo Bộ TT&TT, Dự thảo quy định việc lưu trữ thông tin cá nhân của người dùng Việt Nam; xác thực tài khoản người dùng dịch vụ với số điện thoại di động khi đăng ký tài khoản; cung cấp thông tin cá nhân cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ công tác điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; bảo đảm quyền quyết định của người dùng khi cho phép thông tin cá nhân của mình được sử dụng cho mục đích quảng bá, truyền thông và cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.
“Việc bổ sung quy định mới sẽ cụ thể hóa hình thức này và tạo sự đồng bộ trong việc xác thực người dùng đối với cả mạng xã hội trong và ngoài nước”, Bộ TT&TT chia sẻ.
Đánh giá nội dung của các đề xuất được đưa ra, không ít ý kiến cho rằng, việc định danh tài khoản trên mạng xã hội là rất cần thiết, vì một môi trường mạng lành mạnh, văn minh, góp phần loại bỏ các nội dung xấu, sai trái, vi phạm pháp luật hoặc gây hại cho xã hội trên không gian mạng. Đồng thời, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức khi tham gia không gian mạng.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động có thể giúp hạn chế một số tác động xấu từ các tài khoản khuyết danh, hay còn gọi là nick ảo, trên mạng xã hội.
Đầu tiên là giảm số lượng tài khoản giả mạo để lừa đảo hoặc xâm phạm quyền riêng tư. Tiếp đó là hạn chế khả năng sử dụng thông tin cá nhân giả mạo hoặc không chính xác để đăng ký tài khoản. Giảm tình trạng đăng tin sai sự thật vì xác thực tài khoản qua số điện thoại di động giúp gắn liền người dùng với tài khoản của họ, người dùng có thể dễ dàng được xác định và chịu trách nhiệm về thông tin mà họ đăng tải.
Việc bắt buộc xác thực số điện thoại di động cũng giúp ích cho cơ quan quản lý dễ dàng hơn, giúp tăng cường khả năng kiểm soát, giám sát và quản lý hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội; giúp phòng ngừa hoạt động trái phép, vi phạm pháp luật như phát tán thông tin sai lệch, tuyên truyền cực đoan… Cuối cùng, đó là hỗ trợ trong điều tra hành vi vi phạm pháp luật. Việc có cơ sở dữ liệu xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động cũng hỗ trợ cho các hoạt động điều tra hành vi vi phạm, các tội phạm trên mạng xã hội, nếu cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền tự do ngôn luận để bảo đảm tính công bằng và hợp pháp trong thực hiện.
“Cũng có tâm lý lo ngại người dùng phải khai báo số điện thoại di động cá nhân có thể dẫn đến việc hạn chế tự do ngôn luận và sự riêng tư trên mạng; lo ngại lộ thông tin cá nhân. Chúng ta đã thấy hiện tượng này qua việc hằng ngày phải nghe nhiều cuộc gọi quảng cáo bán hàng, mời mua bất động sản, chứng khoán...”, ông Sơn chia sẻ.
Còn theo Giám đốc an ninh mạng Tập đoàn công nghệ Bkav - ông Nguyễn Văn Cường, quy định định danh sẽ giảm được các tài khoản ảo và người dùng sẽ có trách nhiệm hơn với nội dung mình cung cấp chia sẻ lên mạng xã hội. Bên cạnh đó cũng hỗ trợ cho nhà quản lý dễ dàng hơn trong điều tra xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.
“Việc đăng ký sử dụng số điện thoại di động định danh tài khoản mạng xã hội chỉ mang tính chất xác thực thông tin người đăng ký. Các nội dung khi người dùng đăng tải đã phải tuân thủ pháp luật khi tham gia trên môi trường mạng, do đó, việc bắt buộc xác thực này cũng không tăng thêm lo ngại về việc kiểm duyệt nội dung vì bản chất việc đó vẫn đang thực hiện”, ông Cường bày tỏ.